Tối 22-5 theo giờ địa phương (sáng 23-5 giờ Hà Nội), Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật trao cho Tổng thống Barack Obama "Quyền Thúc đẩy Thương mại" (TPA), hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh.
Động thái này cho thấy các nhà lập pháp Mỹ đã vượt qua những rào cản đảng phái và thỏa hiệp về chính sách thương mại quan trọng.
Tổng thống thống Barack Obama được trao toàn quyền đàm phán nhanh. |
Dự luật được thông qua với tỷ lệ 62 phiếu thuận và 37 phiếu chống. Sau nhiều lần phản đối, tại cuộc bỏ phiếu này, một số nghị sỹ đảng Dân chủ đã quyết định ủng hộ dự luật về TPA sau khi nhận được sự đảm bảo từ lãnh đạo phe đa số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConell về việc tiếp tục cấp phép hoạt động cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ - chuyên hỗ trợ tài chính cho hoạt động xuất khẩu - trước khi phải đóng cửa vào ngày 30-6 tới.
Ông McConell là một trong những nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ mạnh mẽ việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do mà chính quyền Obama đang theo đuổi bất chấp sự phản đối của các nghị sỹ Dân chủ hàng đầu.
Bên cạnh đó, các nghị sỹ Cộng hòa cũng chấp nhận thỏa hiệp khi tán thành phần lớn trong số 20 điều chỉnh mà các thượng nghị sỹ Dân chủ gắn kèm trong cuộc bỏ phiếu về TPA. Đây cũng là kết quả của nhiều tuần nỗ lực của chính quyền Obama vận động các nhà lập pháp của đảng mình ủng hộ một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nhà Trắng.
Ngay khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Tổng thống Obama đã lên tiếng hoan nghênh các nhà lập pháp hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Ông gửi lời cảm ơn và cho rằng các thượng nghị sỹ đã hành động vì người lao động Mỹ.
Sau khi vượt qua "ải" Thượng viện, dự luật về TPA sẽ được đưa ra tranh luận, bỏ phiếu tại Hạ viện và quá trình này dự kiến bắt đầu ngay tháng 6 tới, nơi cuộc chiến được cho là sẽ căng thẳng không kém.
Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật TPA sẽ trao cho Tổng thống Obama toàn quyền đàm phán và thỏa thuận các điều khoản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia đối tác. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong TPP. Đây sẽ là một thắng lợi lớn của chính quyền Tổng thống Obama, góp phần giải tỏa những hoài nghi của 11 đối tác đang đàm phán TPP.
Giới phân tích đánh giá việc giành TPA là một "cuộc chiến" cam go của Nhà Trắng, đồng thời cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Dân chủ nắm quyền hành pháp. Một lý do khiến các nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ không ủng hộ TPP là do áp lực lá phiếu của các cử tri thuộc các nghiệp đoàn, những người lo ngại công ăn việc làm có thể sẽ bị mất do TPP.
Tới nay, các cuộc đàm phán về TPP gần như đã hoàn tất, song các đối tác thương mại của Mỹ cho biết họ muốn thấy chính quyền Obama có được TPA trước khi hoàn tất hiệp định. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Obama trước khi rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017.
TTXVN/Tin tức