ĐNĐT - Một chuyên gia tư vấn an ninh tin học người Mỹ đã báo cáo với FBI rằng, mình có thể thâm nhập vào hệ thống máy tính trên máy bay đến 20 lần và kiểm soát một động cơ máy bay trong suốt chuyến bay.
Có một nỗi lo rằng, nếu máy bay sử dụng cùng cách thiết kế mạng điện và dây dẫn cho các hệ thống bay và giải trí, thì chiếc máy bay có thể bị đột nhập bởi các tin tặc khủng bố. Ảnh: Mailonline |
Đó là lời khai của Chris Robert, một chuyên gia máy tính đã bị FBI bắt giữ hồi tháng Tư, sau khi bay trên một chuyến bay của hãng United Airlines tới Syracuse, New York. Trước đó, Robert đưa lên mạng xã hội Twitter các bài viết của mình nói về cách thâm nhập máy tính trên máy bay mà y có mặt trên đó.
Hôm 15-4, hãng United Airlines báo với FBI rằng, Robert đã đưa lên Twitter về vụ đột nhập vào máy bay mà y đã đi trên đó và hình như đã kích hoạt mặt nạ oxy khẩn cấp của hành khách. Lúc đó, Robert đi trên chuyến bay của United Airlines từ Denver tới Chicago và sau đó tới Syracuse.
Các nhân viên của FBI đã theo dấu vết chiếc máy bay mà Robert đã đi từ Denver tới Chicago và phát hiện ra dấu hiệu của việc lục lọi và phá hoại hộp điều khiển điện nối với hệ thống giải trí trên máy bay. Đó là hộp điện dưới ghế máy bay của Robert và phía trước y.
FBI đã tịch thu thiết bị máy tính, kể cả một laptop và một iPad cùng với các ổ cứng di động và thẻ nhớ của Robert.
Theo tài liệu của tòa án New York, trả lời các nhà điều tra hồi tháng 2 và tháng 3, Robert nói rằng, y đã đột nhập vào các hệ thống giải trí trên máy bay và từng làm thế từ 15 đến 20 lần từ năm 2011 đến năm 2014.
Roberts cũng cho biết, một khi đã đột nhập vào máy tính của máy bay, y viết lại mã để mình có thể phát đi một lệnh “leo lên” (CLB).
Theo tài liệu, y khẳng định lúc đó, y làm cho một trong các động cơ của máy bay bay lên dẫn tới chuyển động lắc ngang hoặc chao ngang của máy bay trong một trong số các chuyến bay nói trên.
Robert khai rằng, y biết tới các tính dễ bị đột nhập của 3 dòng máy bay Boeing và 1 dòng máy bay Airbus. Y từng đột nhập vào các hệ thống giải trí trong lúc bay do hãng Thales và Panasonic sản xuất.
Tài liệu của FBI ghi rằng, các nhân viên của FBI và các chuyên gia kỹ thuật “tin rằng Robert có khả năng và ý muốn sử dụng thiết bị đó vào lúc đó để thâm nhập các hệ thống giải trí trên chuyến bay và khả năng là hệ thống điều khiển bay trên bất kỳ loại máy bay nào có trang bị một hệ thống giải trí trong lúc bay, và rằng, việc này sẽ gây nguy hại tới an toàn công cộng để cho phép y tới Syracuse."
Robert cho biết, y đã sử dụng một dây cáp mạng Ethernet đã sửa đổi để kết nối với laptop của mình tới một hộp điện bên dưới ghế ngồi mà điều khiển hệ thống giải trí. Từ đó, y thâm nhập vào trung tâm não bộ của máy tính chiếc máy bay.
Trong khi đó, hãng Boeing đã nghi ngờ về tuyên bố đột nhập của Roberts khi cho rằng, hệ thống giải trí "cách ly với hệ thống bay và dẫn đường” của máy bay.
Hơn nữa Boeing còn cho biết, họ không thảo luận tới các đặc tính thiết kế của máy bay vì lý do an ninh nhưng nói rằng, điều đáng lưu ý là các máy bay Boeing có hơn một hệ thống dẫn đường có sẵn cho các phi công. Không thay đổi nào với kế hoạch bay tải vào các hệ thống của máy bay có thể thay thế nếu không có sự xem xét và chấp thuận của phi công.
Trong khi đó, Airbus chưa đưa ra phản ứng nào nhưng trước đó cho biết, hãng này có các biện pháp an ninh của mình, như tường lửa để hạn chế truy nhập và công ty “thường xuyên đánh giá và thăm lại cấu trúc hệ thống” để đảm bảo các chuyến bay an toàn.
Quang Hiển (theo CNN)