.

Triều Tiên thử tên lửa, Hàn Quốc tức giận

.

Hàn Quốc đang xem xét đưa vụ phóng tên lửa đạn đạo của CHDCND Triều Tiên ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) để áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã giám sát vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 9-5.  					             Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã giám sát vụ phóng tên lửa đạn đạo ngày 9-5. Ảnh: Reuters

Bán đảo Triều Tiên lại nóng lên ngay sau khi CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) vào ngày 9-5. Đối với Hàn Quốc, động thái của CHDCND Triều Tiên là sự khiêu khích. Theo Reuters, hành động của Bình Nhưỡng có thể tạo ra mối đe dọa mới đối với các nước láng giềng và cả với Mỹ.

Yonhap cho biết, ngày 11-5, Hàn Quốc bày tỏ quan ngại về vụ CHDCND Triều Tiên thử SLBM, đồng thời thúc giục nước láng giềng phía Bắc ngừng phát triển loại vũ khí này. Trong một thông cáo, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok nói rằng, việc Bình Nhưỡng thử tên lửa đạn đạo là “rất nghiêm trọng và đáng lo ngại”. “Chúng tôi thúc giục CHDCND Triều Tiên ngay lập tức ngừng phát triển SLBM, loại vũ khí đe dọa an ninh trên bán đảo Triều Tiên và Đông Bắc Á”, ông Kim Min-seok nói.

Người phát ngôn này cũng cho rằng, vụ thử tên lửa là giai đoạn đầu trong việc phát triển SLBM và sau lần thử nghiệm đầu tiên như thế, để phát triển đầy đủ loại tên lửa này phải mất từ 4-5 năm. Song, một quan chức khác của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định: trong vòng 2 hoặc 3 năm tới, CHDCND Triều Tiên có thể chế tạo một tàu ngầm tác chiến toàn diện trang bị tên lửa đạn đạo.

Trong khi đó, AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo khẳng định quân đội nước ông sẽ không ngồi yên trước những hành động “gây hấn” của CHDCND Triều Tiên. “Chúng tôi sẽ trả đũa không thương tiếc để phá vỡ vòng xoáy gây hấn của họ. Trả đũa hành vi gây hấn là mệnh lệnh của người dân”, ông Han Min-koo nhấn mạnh trong cuộc họp an ninh khẩn cấp giữa chính phủ với đảng Saenuri cầm quyền tại Seoul ngày 11-5.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho hay, quân đội nước này đang duy trì khả năng răn đe mạnh mẽ trên cơ sở thỏa thuận quốc phòng với Mỹ trước các “hành động khiêu khích quân sự bất ngờ” của CHDCND Triều Tiên và đang chuẩn bị thêm các biện pháp đối phó với những diễn biến tiếp theo.

Tuy nhiên, các quan chức Hàn Quốc khác giảm nhẹ mức độ của vụ thử, nói rằng tên lửa dường như chỉ bay khoảng 100m hoặc 150m từ mặt nước. Còn phía Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ sự tức giận. Một quan chức Bộ Ngoại giao nói rằng, chính phủ đang tiến hành tham vấn liên ngành để xử lý thích hợp vụ việc này. “Đưa vụ này ra trước HĐBA LHQ là một sự lựa chọn nhưng vẫn còn quá sớm để đề cập những biện pháp cụ thể”, người phát ngôn này nói.

Vụ phóng SLBM được thực hiện có sự giám sát trực tiếp của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Kim mô tả vụ phóng là “thành công rực rỡ”, cho phép quân đội Triều Tiên sở hữu loại “vũ khí chiến lược cấp độ thế giới”. Theo quân đội Hàn Quốc, sau vụ phóng thử SLBM, Triều Tiên đã bắn thử 3 tên lửa hành trình chống hạm.

Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA mô tả SLBM là loại vũ khí chiến lược cấp độ quốc tế, được sản xuất và phát triển trong nước. Nếu Bình Nhưỡng làm chủ công nghệ này thì quân đội có thể tấn công và đối phó với các hành động xâm phạm chủ quyền…

Những năm gần đây, HĐBA LHQ thường triệu tập họp khẩn cấp và đưa ra các tuyên bố chủ yếu mang tính tượng trưng lên án Bình Nhưỡng. Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của CHDCND Triều Tiên, mô tả tình hình trên bán đảo Triều Tiên trong lúc này là “rất phức tạp và nhạy cảm”. Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Song, một quan chức thuộc cơ quan này cho rằng, những vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo là vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.