.

Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự

.

Sách Trắng quốc phòng của Trung Quốc đề cập việc gia tăng sức mạnh quân sự trên biển cũng như trên không để bảo vệ các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép trên Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói về Sách Trắng quốc phòng tại buổi họp báo ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói về Sách Trắng quốc phòng tại buổi họp báo ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, Sách Trắng quốc phòng do Văn phòng Thông tin - Hội đồng nhà nước Trung Quốc công bố ngày 26-5 có tên gọi “Chiến lược quân sự Trung Quốc”. Theo đó, Sách Trắng nhấn mạnh 4 lĩnh vực an ninh quan trọng, bao gồm: đại dương, không gian vũ trụ, không gian mạng và lực lượng hạt nhân.

Sách Trắng đề cập chiến lược phòng vệ để thúc đẩy khả năng của lực lượng hải quân; đồng thời cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với “các thách thức lâu dài” trong việc bảo vệ quyền và lợi ích biển liên quan vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Hải quân Quân giải phóng nhân dân sẽ dần chuyển từ “phòng thủ gần bờ” sang “bảo vệ ngoài biển khơi”, kết hợp “phòng thủ gần bờ” và Trung Quốc sẽ xây dựng thành một “cường quốc hải quân”.

Không quân Trung Quốc sẽ chuyển hướng chỉ bảo vệ không phận sang bảo vệ lẫn tấn công. Trong khi đó, lục quân sẽ tăng cường khả năng cơ động trên toàn cầu.

Đáng chú ý là tài liệu này được công bố trong lúc căng thẳng trên Biển Đông gia tăng, nhất là những tranh cãi giữa Washington và Bắc Kinh về sự xuất hiện của máy bay do thám P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ tại khu vực các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép và Trung Quốc đã xua đuổi máy bay Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân nói: “Việc Trung Quốc có những hoạt động cải tạo đảo có thể so sánh với việc xây dựng nhà cửa và đường sá trên đất liền” (!?). Trả lời báo chí tại thủ đô Bắc Kinh, ông Dương Vũ Quân thậm chí cho rằng, điều này “không có sự khác biệt” (!?).
Không những thế, theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, việc giám sát trong khu vực đang gia tăng và “Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng các biện pháp cần thiết để đáp trả”.

Sách Trắng quốc phòng còn nêu rõ: “Một số nước trong khu vực có những hành động khiêu khích và tăng cường hiện diện quân sự lên các rạn san hô và đảo của Trung Quốc”; “một số quốc gia bên ngoài cũng can thiệp vào các vấn đề Biển Đông, duy trì giám sát trên biển và trên không, cũng như thực hiện những hoạt động trinh sát chống lại Trung Quốc”. Reuters cho rằng, Trung Quốc hàm ý nhắc đến Mỹ bởi Bắc Kinh từng nhiều lần kêu gọi Washington không can thiệp vào vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Sách Trắng viết: “Mỹ đang thực hiện chiến lược tái cân bằng và tăng cường hiện diện quân sự, cũng như củng cố các liên minh quân sự trong khu vực. Nhật Bản không bỏ qua một nỗ lực nào để lẩn tránh các cơ chế hậu chiến tranh, hiện đại hóa quân đội và các chính sách an ninh”. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tăng cường hợp tác an ninh quốc tế trong những khu vực lợi ích của nước này ở nước ngoài.

Hiện các chuyên gia cảnh báo nguy cơ xung đột lớn tại Biển Đông, với sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. TTXVN ngày 26-5 dẫn nguồn tin từ tạp chí quốc phòng IHS Jane’s ước tính chi tiêu quốc phòng hằng năm tại Đông Nam Á sẽ đạt mức 52 tỷ USD trước năm 2020, so với mức dự kiến 42 tỷ USD trong năm 2015. Theo IHS Jane’s, 10 nước Đông Nam Á dự kiến chi 58 tỷ USD cho trang thiết bị quân sự mới trong 5 năm tới, trong đó hoạt động mua sắm cho hải quân chiếm tỷ lệ lớn. Phần lớn số trang thiết bị này có thể được sử dụng tại Biển Đông hoặc xung quanh khu vực này, nơi Bắc Kinh đang có những hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo làm một số nước châu Á quan ngại.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.