.

Báo in chật vật tìm "đường ra"

.

Hàng loạt tờ báo Mỹ đang đứng trước tương lai mờ mịt sau hàng thập niên vật lộn thích nghi với bối cảnh công nghệ số.

Theo AFP, đầu tháng 5 vừa qua, việc tờ San Diego Union-Tribune được bán với giá 85 triệu USD đã cho thấy mức độ “rớt giá” thảm hại của các tập đoàn truyền thông lâu đời ở Mỹ trong những năm gần đây. Khoảng cuối năm 2004, San Diego Union-Tribune, tờ báo hoạt động từ năm 1868, còn được định giá khoảng 1 tỷ USD.

Tình trạng “mất giá” như vậy đang xảy ra tương tự ở những nhật báo lẫy lừng một thời của Mỹ. Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew, những tờ báo theo định giá hiện nay thấp hơn tới 90% giá trị so với thời điểm đỉnh cao của nó là Boston Globe, Philadelphia Inquirer, Chicago Sun-Times và Minneapolis Star-Tribune.

Mặc dù tất cả các báo hiện tại đều cố gắng lôi kéo độc giả đến với các phiên bản số hóa hoặc ứng dụng đọc báo trên thiết bị di động, nhưng thực tế cho thấy họ đang rất chật vật lội ngược dòng trước áp lực của công nghệ số.

Với riêng thị phần nhật báo tại Mỹ, cũng theo Pew, trong thập niên qua, lượng độc giả các ngày trong tuần đã giảm 17% và doanh thu từ quảng cáo giảm hơn 50%. Năm 2014, có 3 tập đoàn truyền thông lớn đã quyết định ngừng ra báo in để tập trung nguồn lực vào các sản phẩm số hóa và phát sóng có lãi hơn.

“Mọi tờ báo đều nói tới việc đẩy nhanh số hóa. Nhưng sự thật hiển nhiên là sau gần 2 thập niên nỗ lực, phần lớn họ vẫn chưa thể tới được cái đích muốn đến”, chuyên gia phân tích ngành Ken Doctor, chủ nhân blog Newsonomics và cũng là nhà tư vấn cho hãng nghiên cứu Outsell nói. Ông Doctor cho rằng, không bao lâu nữa báo chí sẽ không còn nhiều lựa chọn ngoài việc cắt giảm tần suất ra báo in, như cách nhiều nhật báo đã làm, để tiết kiệm chi phí.

Không thể tăng doanh thu từ năm 2008

Chuyên gia Doctor nhận xét, kể từ năm 2008, các báo Mỹ đều không thể tăng thêm doanh thu nên rất khó khăn để có nguồn tiền đầu tư vào công nghệ số. Trong quý đầu năm 2015, tổng lợi nhuận của 7 tờ báo lớn nhất là 21 triệu USD. Trong khi đó, năm 2005, tiền lãi riêng tập đoàn báo chí Gannett là 1,8 tỷ USD. Ông Doctor nói: “Những công ty này còn quá ít tiền để đầu tư. Họ vẫn phải thanh toán nợ nần, chia sẻ lợi nhuận, chi trả lương hưu theo cam kết và thấy trước là doanh thu từ quảng cáo báo in vẫn chưa chạm đáy”.

Ngay cả tờ New York Times, một trong những đơn vị báo chí quyết liệt nhất trong việc chuyển đổi sang dạng thức số hóa, gần đây cũng thừa nhận 70% doanh thu của họ từ báo in.

Tuy nhiên, ông Alan Mutter, cựu biên tập viên một tờ báo ở Chicago và hiện là tư vấn về báo chí số, cho rằng các cơ quan báo chí cần tư duy lại chiến lược để hành động như những đơn vị mới khởi nghiệp. “Những người làm việc trong ngành truyền thông cần thấy rằng, họ không phải đang làm việc trong ngành in ấn, xuất bản nữa, mà đang làm trong lĩnh vực thu hút khách hàng để bán được quảng cáo”, ông nói.

Cũng theo ông Mutter, nhiều đơn vị truyền thông do phải chịu áp lực công bố doanh thu theo quý nên đã không thể có được chiến lược dài hạn.

Trường hợp ngoại lệ chỉ có Washington Post, dưới sự điều hành của ông chủ mới và cũng là người sáng lập Amazon, Jeff Bezos, đã vừa mở rộng hoạt động thu thập tin tức, vừa tinh lọc, cải thiện chiến lược số hóa của tờ báo. Việc này đã đem lại hiệu quả: số lượng độc giả online của Washington Post tăng 65% trong một năm (tính tới tháng 4-2015) theo số liệu của comScore cung cấp. Theo ông Mutter, rõ ràng “ông Bezos đã có tầm nhìn xa và đó chính là tiền bạc của ông ấy”.

Một số tờ báo đã hợp tác với Facebook giúp xuất bản trực tiếp các nội dung báo chí lên mạng xã hội với hy vọng tăng thêm doanh thu quảng cáo. Ông Mutter nhận định, mặc dù giới báo chí không thích thương vụ hợp tác này, nhưng họ phải “nhịn nhục chấp nhận vì họ hiểu mình thiếu một nền tảng để tiếp cận toàn cầu, mà chỉ có Facebook mới có khả năng cung cấp”.

Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì giải pháp đó cũng chỉ giảm bớt phần nào áp lực với báo chí.

Thúc đẩy các nhóm “thiểu số”

Một nghiên cứu của Viện báo chí Mỹ (American Press Institute - API) mới đây cho biết, điều chủ chốt đối với ngành báo chí hiện nay là phải thay đổi văn hóa làm việc tại các đơn vị để mau chóng cách tân. Điều này bao hàm sự tương tác lẫn nhau giữa các nhóm nhân sự: phóng viên, kỹ thuật viên và những nhóm khác mà nghiên cứu này gọi là “nhóm thiểu số”.

Báo cáo nghiên cứu viết: “Để thúc đẩy đổi mới và thay đổi…, các cơ quan báo chí cần trao thêm quyền hạn và khuyến khích các nhóm thiểu số trong tổ chức của họ”. Phó giám đốc API Jeff Sonderman cho rằng, các tờ báo thiếu tiền vẫn có thể đầu tư và đổi mới nhờ cách tiếp cận theo phương pháp “Lean Startup”.

Theo trang web của Đại học Kinh tế và Thương mại, Đại học quốc gia Hà Nội, “Lean Startup là cách tiếp cận mới trong xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh. Khác với quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh truyền thống, việc xây dựng chiến lược kinh doanh ứng dụng Lean Startup dựa trực tiếp vào nhu cầu khách hàng và được điều chỉnh theo nhu cầu khách hàng một cách thường xuyên. Triết lý cắt giảm lãng phí liên tục của Lean được ứng dụng trong xây dựng chiến lược nhằm hướng tới việc tạo ra một chiến lược kinh doanh năng động và linh hoạt, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu khách hàng”.

Ông Jeff Sonderman nói: “Thay vì mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho những ý tưởng lớn về một điều gì đó mới mẻ, bạn có thể dành một khoản tiền nhỏ vào các thử nghiệm trên quy mô nhỏ và bạn gây dựng theo từng bước nhỏ”.

Bất kể thực trạng tụt dốc trong thập kỷ qua của của báo in, ông Sonderman cho rằng vẫn có những tín hiệu tích cực. Ông nói: “Chúng tôi thấy các đơn vị báo chí hoạt động trong môi trường đúng đắn với sự lãnh đạo đúng đắn đang bắt đầu ổn định dần và thậm chí còn phát triển ở một số lĩnh vực”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

 
;
.
.
.
.
.