.

Biển Đông làm nóng diễn đàn Shangri-La

.

Diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 29-5 đến 31-5) tại Singapore, Đối thoại Shangri-La bàn thảo về sự căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông, nhất là khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp đảo nhân tạo quy mô lớn trái phép. Diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á đã khép lại vào ngày 31-5 với thông điệp đối thoại để xây dựng lòng tin và sự minh bạch.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) gặp gỡ người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen bên lề Đối thoại Shangri-La. 						        Ảnh: AFP
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) gặp gỡ người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen bên lề Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AFP

Đến Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mang theo thông điệp mạnh mẽ: Yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay lập tức hoạt động bồi lấp trái phép tại Biển Đông. Ông nói rằng, cách cư xử của Trung Quốc đang làm thay đổi hiện trạng của khu vực và đã vượt khỏi các thông lệ quốc tế. Ông chủ Lầu Năm Góc gọi các hành động của Bắc Kinh là “nguồn cơn của căng thẳng” trên Biển Đông.

Thiết lập Sáng kiến an ninh biển Đông Nam Á

Những tuyên bố cứng rắn của Mỹ tại Đối thoại Shangri-La được giới phân tích dự báo từ trước. Bởi lẽ, trước khi ông Carter bắt đầu chuyến công du châu Á 10 ngày, Mỹ và Trung Quốc đã căng thẳng liên quan đến vấn đề Biển Đông. Phát biểu của ông Carter cũng là thách thức mới nhất của Washington đối với hoạt động của Bắc Kinh trong việc cải tạo đất trên Biển Đông. “Mỹ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là những hoạt động gần đây của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp; đồng thời phản đối bất kỳ giải pháp quân sự nào gây bất ổn trên Biển Đông. Mỹ hoan nghênh các nước ASEAN và Trung Quốc cùng ngồi lại bàn bạc để giải quyết tình hình”, ông Carter nói.

Hãng Reuters cho biết, thông điệp mà người đứng đầu Lầu Năm Góc mang đến Singapore còn là việc Mỹ đang nỗ lực duy trì “cấu trúc an ninh khu vực” để thúc đẩy sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Theo đó, mong muốn của Mỹ là “một khung trật tự khu vực đủ mạnh, đủ khả năng và đủ kết nối” cho châu Á - Thái Bình Dương vươn lên.

Để đạt được mục tiêu này, khu vực cần xây dựng hệ thống an ninh hiệu quả, không phải bằng vùng ảnh hưởng hay đe dọa, nước lớn bắt nạt nước nhỏ, mà bằng tổng hòa của việc bảo đảm an ninh chung, luật pháp và thông lệ quốc tế. “Mỹ sẽ đến, bằng máy bay, tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.

Trong những tuần qua, Mỹ công khai chỉ trích hoạt động bồi lấp trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Việc Hải quân Trung Quốc ngày 20-5 liên tục đưa ra cảnh báo và yêu cầu máy bay do thám P8-A Poseidon của Hải quân Mỹ rời không phận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng trái phép ở Biển Đông làm dấy lên căng thẳng; các nhà quan sát thậm chí dự báo nguy cơ đụng độ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng Carter, Mỹ sẽ đem các hệ thống do thám mới như máy bay do thám P8-A Poseidon, máy bay cảnh báo E-2D Hawkeye đến khu vực và sẽ thiết lập Sáng kiến an ninh biển Đông Nam Á. Quốc hội Mỹ cũng đã phê chuẩn 425 triệu USD cho các nỗ lực xây dựng năng lực trên biển ở Đông Nam Á. Ngân sách này sẽ được sử dụng trong vòng 5 năm cho các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam để mua sắm “thiết bị, quân nhu, huấn luyện và xây dựng quân đội quy mô nhỏ”.

“Biển Đông vẫn hòa bình và ổn định” (!?)

Ngày 31-5, Đối thoại Shangri-La thảo luận về việc tăng cường trật tự khu vực châu Á-Thái Bình Dương; hướng tới giải quyết xung đột tích cực; các thách thức an ninh toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương... Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Tôn Kiến Quốc cho rằng, “tình hình Biển Đông vẫn hòa bình và ổn định”, “chưa bao giờ ảnh hưởng tới tự do hàng hải quốc tế” (!?).

Theo ông Tôn, Bắc Kinh dùng đảo nhân tạo “thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế” (!?). Cái gọi là “trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế” đó bao gồm: tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn thảm họa, nghiên cứu khoa học hàng hải, quan sát khí tượng, bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, sản xuất hải sản… “Khi giải quyết tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng có liên quan, Trung Quốc luôn để ý đến vấn đề an ninh hàng hải”, ông Tôn nói. Phó Tổng tham mưu trưởng PLA còn nói rằng, tuân thủ các nguyên tắc của hiến chương Liên Hợp Quốc là cách duy nhất để phát triển hòa bình và hợp tác cùng thắng phải là mục đích cuối cùng hướng tới hòa bình, ổn định an ninh.

Đặc biệt, Reuters dẫn lời ông Tôn Kiến Quốc khẳng định: Quyết định thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông phụ thuộc vào việc liệu có mối đe dọa đến an ninh hàng hải và hàng không của nước này hay không.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh bác bỏ những chỉ trích đối với hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông. Trung Quốc vốn phản đối sự can dự của Mỹ vào tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời cáo buộc Washington có “những động thái khiêu khích” tại vùng biển này.

Có mặt tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho rằng, các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, kể cả Trung Quốc, cần thực hiện tuần tra hòa bình tại vùng biển này để giảm nguy cơ xung đột. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein nhận định: Tuần tra chung với Trung Quốc “không phải là điều không thể làm”. Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen kêu gọi các bên kiềm chế, không gia tăng những hành động gây căng thẳng cả trên biển lẫn trên không.

Song, về phía Úc, Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews cho biết, Canberra sẽ tiếp tục điều máy bay quân sự tuần tra trên vùng tranh chấp ở Biển Đông và cùng các nước khác hành động để kìm hãm hoạt động cải tạo đất của Bắc Kinh.

Thông tin Trung Quốc đưa pháo ra đảo nhân tạo là dấu hiệu xấu

Trả lời báo chí bên lề diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, nói rằng nếu thông tin về việc Trung Quốc đưa pháo đến khu vực nước này bồi đắp và cải tạo ở Biển Đông là sự thật thì đây sẽ là một phát triển rất đáng lo ngại. “Nếu chuyện này thực sự xảy ra thì đó là dấu hiệu rất xấu đối với tình hình vốn rất phức tạp ở Biển Đông”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói với hãng tin Reuters.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam bày tỏ hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ luôn có trách nhiệm với hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và cũng không bỏ qua những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong cuộc gặp với đoàn Trung Quốc, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay, ông quan ngại về hành động xây dựng trái phép của Trung Quốc và nói rằng đây là lo ngại chung của nhân dân Việt Nam. Phía Trung Quốc cần hành xử đúng với luật pháp quốc tế, không làm tổn hại đến lợi ích và mối quan hệ của nhân dân hai nước.

Trước đó, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, tại các cuộc gặp gỡ song phương với các đoàn, đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La đã cùng thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên, về xây dựng và phát triển, chiến lược và can dự của các nước lớn đối với Biển Đông. Đoàn Việt Nam đã lắng nghe những ý kiến xung quanh các vấn đề trên để nắm bắt được xu thế chung của khu vực, đồng thời bày tỏ quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước xung quanh những vấn đề mà thế giới và khu vực đang quan tâm.

Ngày 29-5, Mỹ xác nhận Trung Quốc đã chuyển pháo đến một đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Washington gọi đây là “bước phát triển leo thang và đáng lo ngại”.

PHÚC NGUYÊN tổng hợp

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.