Ngày 9-6, Reuters công bố hãng này sẽ cung cấp miễn phí một số nội dung do họ sản xuất cho các đơn vị xuất bản, một động thái chưa từng có trước đây.
Tòa nhà Reuters. Ảnh: AP |
Theo Capital New York, các nội dung Reuters lần đầu chấp nhận “cho không biếu không” bao gồm: tin tức dạng văn bản, hình ảnh, video và cả những gói sản phẩm đa phương tiện.
Trong thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành toàn cầu của Reuters Steven Schawartz nói về sự kiện này như một trong những động thái cho thấy cam kết đổi mới liên tục của Reuters, góp phần giúp các hãng thông tấn có thêm nguồn tin phong phú phục vụ khách hàng.
Lẽ đương nhiên nhiều người đặt câu hỏi về động cơ thương mại phía sau sự “miễn phí” này. Reuters muốn ngày càng nhiều người biết và quan tâm các sản phẩm cũng như dịch vụ của họ. Từ đó, không loại trừ khả năng nhiều tổ chức sau khi dùng thử hàng miễn phí sẽ muốn rút ví chi trả thêm các nội dung tin tức chất lượng cao hơn.
Nhưng dù xét ở phương diện nào, việc cung cấp thông tin miễn phí ở chừng mực hiện tại vẫn là động thái lớn của Reuters, khiến hãng trở thành dịch vụ tin tức toàn cầu kiêm doanh nghiệp kinh doanh thông tin chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới có bước đi như vậy.
Áp lực gia tăng
Thực tế, quan sát bối cảnh báo chí - truyền thông những năm qua, không khó để nhận ra tình hình đang ngày càng tiến triển theo cách “người khôn của khó”. Trong khi các đối thủ truyền thống của Reuters là AP và AFP vẫn đang duy trì phong độ rất tốt thì hãng tin này cũng bắt đầu phải để mắt tới những công ty khác, tuy nhỏ hơn nhưng không có nghĩa “vô hại” như Buzzfeed và Vice…
Cuối năm ngoái, Tổng biên tập Steve Adler cho biết, mặc dù ngân sách dự trù cho năm 2015 của Reuters nhiều hơn 1% nhưng chẳng thấm tháp gì nếu tính tới yếu tố lạm phát và việc đầu tư tài chính vào các sáng kiến phát triển chất lượng dịch vụ mới. Khi đó, Reuters dự kiến cắt giảm 111 công việc, trong đó có không quá 55 vị trí công việc ở mảng viết bình luận.
Gần đây nhất là sự kiện diễn ra hồi đầu năm nay cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng đáng ngại hơn với Reuters khi tập đoàn báo chí truyền thông Tribune Publishing có trụ sở tại Chicago, bang Illinois quyết định không mua tin của chi nhánh Reuters America nữa mà chuyển sang mua tin của AP.
Khi đó, người phát ngôn của tập đoàn truyền thông cho biết, họ lựa chọn AP vì hãng tin này cung cấp những nội dung mà độc giả tất cả ấn phẩm của họ thích đọc. Việc lựa chọn AP thay thế Reuters America đã được tính toán, cân nhắc dựa theo những tiêu chí chủ chốt như: đáp ứng kỳ vọng độc giả, phù hợp nhu cầu cân bằng giữa chi phí và giá trị thu về và mong muốn có được một dịch vụ tin tức tối ưu cho tất cả các ấn phẩm thương mại của Tribune Publishing.
Reuters America là chi nhánh tin tức của hãng Reuters được thành lập tại Mỹ năm 2010. Khi mới thành lập, cơ quan này đã đặt ra mức giá mua tin tức về Mỹ thấp hơn mức giá của AP và Tribune Publishing đã trở thành khách hàng đầu tiên của họ.
Tìm các nguồn doanh thu khác
Tuy nhiên, sau sự việc bị Tribune Publishing “bỏ rơi”, phát ngôn viên của Reuters vẫn tự tin nói rằng chắc chắn Tribune Publishing sẽ trở lại với Reuters America trong tương lai.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Stephen Adler, Tổng biên tập Reuters, cho rằng mặc dù mất đối tác Tribune Publishing nhưng Reuters America vẫn có hơn 50 cơ quan thông tấn đăng ký mua tin và Reuters vẫn phát triển mạnh ở Mỹ.
Nhưng thực tế khiến giới truyền thông đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa tình trạng sụt giảm doanh thu từ các đăng ký mua tin của báo in và ý tưởng triển khai dịch vụ mới giống như dịch vụ thuê bao Reuters TV. Dường như Reuters đang tìm kiếm các nguồn doanh thu khác từ khách hàng bên cạnh dịch vụ bán tin truyền thống. Không những thế, tập đoàn tin tức có trụ sở tại London (Anh) này cũng vừa tạm dừng dự án Reuters Next để tập trung ngân sách nâng cấp trang Reuters.com với nhiều phiên bản ngôn ngữ khác nhau.
Reuters cũng đang nỗ lực để nâng cao chất lượng trang tin Reuters.com tại Anh và Reuters.com tại Mỹ. Mặt khác, khi nhận thấy tương lai của các nền tảng thiết bị cung cấp thông tin sẽ là di động và dạng thức tin tức phổ biến nhất là video, Reuters cũng đang chủ trương đầu tư mạnh tay vào đó.
Tổng biên tập Reuters chia sẻ quan điểm về hàng loạt thay đổi chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu tổ chức và cắt giảm nhân sự: “Nếu bạn quan sát thị trường và cách thị trường đang biến đổi nhanh như thế nào, và nếu bạn muốn bảo đảm cơ quan thông tấn của mình có thể thay đổi để đáp ứng được những nhu cầu thì đôi khi một điều rất hiển nhiên là bạn sẽ phải bỏ bớt một số dịch vụ để có thể đầu tư thêm vào những cái khác”.
TRẦN ĐẮC LUÂN