Hải quân Malaysia hôm qua thông báo đã xác định tàu chở dầu, mất tích cách đây một tuần trên Biển Đông, đang ở ngoài khơi Việt Nam và kêu gọi những kẻ cướp tàu đầu hàng.
Tàu MT Orkim Harmony đã bị đổi tên thành "Kim Harmon". Ảnh: New Strait Times. |
Tàu MT Orkim Harmony, chở theo 6.000 tấn xăng và 22 thủy thủ, đã bị sơn lại và đổi tên thành "Kim Harmon", AFP đưa tin, dựa theo hình ảnh hải quân Malaysia công bố.
Một tàu tuần tra đang theo dõi MT Orkim Harmony và liên lạc với những kẻ cướp tàu yêu cầu chúng đầu hàng, Abdul Aziz Jaafar, người đứng đầu Hải quân Hoàng gia Malaysia, cho biết trên Twitter cá nhân. "Có ít nhất 8 kẻ tấn công trên boong. Chúng có súng ngắn và dao quắm. Chúng nói giọng Indonesia. Toàn bộ thuyền viên đều an toàn và không bị thương".
Con tàu đang ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam, cách thành phố Kota Baru của Malaysia khoảng 370 km về phía đông bắc, các quan chức cho biết. Ước tính giá trị lượng hàng trên MT Orkim Harmony là 7,5 triệu USD. Thủy thủ trên tàu gồm 16 người Malaysia, 5 người Indonesia và một người Myanmar.
Con tàu khởi hành từ Malacca tới cảng Kuantan. Công ty Quản lý Tàu Orkim, đơn vị sở hữu MT Orkim Harmony, mất liên lạc với con tàu hôm 11/6 khi nó đang ở ngoài khơi Johor. Con tàu được phát hiện hôm 17-6 trong một chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ.
Vị trí tàu MT Orkim Harmony của Malaysia (bấm vào đây để xem ảnh lớn hơn). Đồ họa: News Straits Times. |
Công ty Quản lý Tàu Orkim phân tích hình ảnh và kết luận khoang chứa hàng trên tàu vẫn chưa bị xâm phạm, ông Ahmad Puzi, một quan chức tuần duyên Malaysia cấp cao, nói. Ông cho biết "các lựa chọn đều để mở", sau đó ám chỉ hải quân muốn bắt sống những kẻ cướp tàu khi được hỏi nhà chức trách có xông lên tàu hay không.
MT Orkim Harmony, đăng ký tại Malaysia, là mục tiêu mới nhất của hải tặc ở Đông Nam Á. Đối tượng chúng nhắm tới thường là tàu chở theo hàng hóa giá trị như xăng, dầu diesel hoặc khí đốt.
Cục Hàng hải Quốc tế (IMB), trụ sở London, từng nhiều lần cảnh báo các vùng biển Đông Nam Á đang trở thành điểm nóng của nạn cướp biển và kêu gọi khu vực hành động chung để đối phó.
Cướp biển thường săn những tàu chở dầu ven biển nhỏ di chuyển chậm với tần suất hai tuần tấn công một lần, IMB gần đây cho biết. Chúng lấy hết hàng, chuyển sang các tàu khác trước khi thả tàu chở dầu cùng thủy thủ.
Đông Nam Á là khu vực xảy ra 38 vụ cướp biển tấn công từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, tương đương 70% trong số 80 vụ xảy ra trên thế giới, IMB cho biết trong báo cáo tháng 4.
Theo VnExpress