.

Đại sứ Mỹ tại ASEAN: "Bao nhiêu cát cũng không tạo ra chủ quyền"

.

Trong buổi họp báo tại Hà Nội chiều nay 22-6, Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian nhấn mạnh “dù bao nhiêu cát cũng không tạo ra chủ quyền trên Biển Đông”. Bà cũng cho biết Washington luôn mong muốn có một Việt Nam và một ASEAN độc lập, vững mạnh.

Đại sứ Nina Hachigian: Cuối năm nay là một dấu mốc quan trọng cho dự án AEC. (Ảnh:TP)
Đại sứ Nina Hachigian: Cuối năm nay là một dấu mốc quan trọng cho dự án AEC. (Ảnh:TP)

Hiện Trung Quốc đang có nhiều động thái khiêu khích trên Biển Đông, gây khó dễ cho quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông( COC), vậy lập trường của phía Mỹ thế nào?

Quan điểm của Mỹ đối với khu vực Biển Đông mang tính dài hạn. Chúng tôi tôn trọng tự do hàng hải, vận tải hàng hóa an toàn. Chúng tôi cho rằng các quốc gia nhỏ hay lớn đều cần được bảo vệ. Mỹ không đưa ra quan điểm với một tuyên bố chủ quyền nhất định, nhưng lại rất quan tâm đến việc các nước giải quyết hay theo đuổi tuyên bố chủ quyền của mình như thế nào.

Quy mô hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đang gây lo lắng, bất an cho khu vực. Chúng tôi biết Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ hoàn tất hoạt động cải tạo trong những ngày tới. Nhưng Mỹ vẫn quan ngại bởi Trung Quốc nói sẽ tiếp tục xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng, trong đó có cả cơ sở phục vụ quân sự.

Theo quan điểm của Mỹ, những tuyên bố như vậy không giúp làm giảm căng thẳng trong khu vực, đồng thời không hỗ trợ cho các giải pháp ngoại giao hay hòa bình.Những hoạt động bối đắp đảo của Trung Quốc cũng không hỗ trợ các tuyên bố về việc giải quyết tranh chấp của họ. Không lượng cát nào thay đổi được chủ quyền, luật biển rất rõ ràng về điều này.

Chúng tôi hối thúc các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông thừa nhận tình trạng vốn có tại các đảo, không quân sự hóa cách tiếp cận của họ, tham gia vào một quá trình ngoại giao làm giảm căng thẳng.

Chúng tôi hy vọng rằng COC sẽ được hoàn tất trong thời gian gần. Mỹ tin tưởng rằng nếu tất cả các bên muốn xây dựng một bộ quy tắc thì họ sẽ làm được. Chúng tôi hỗ trợ quá trình này.

Thưa Đại sứ, COC từng được nói đến từ năm 2002. Nhiều năm đã trôi qua, liệu có bước phát triển nào khiến bà tin rằng COC sẽ sớm đạt được?

Tôi không dự đoán thời điểm COC được hoàn tất mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng, nó nên được hoàn thành mà thôi. Chúng ta cần bắt đầu một quá trình ngoại giao để giảm căng thẳng trên Biển Đông.

Thưa Đại sứ, các cơ chế đa phương như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) hỗ trợ như thế nào cho các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông?

Đó là các cơ chế quan trọng. Tổng thống Obama là tổng thống đầu tiên tham gia vào Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và tôi mong tiền lệ này sẽ được tiếp tục. EAS là nơi các nước khu vực và các cường quốc gặp gỡ thảo luận vấn đề chiến lược quan trọng. 2015 là dịp  kỷ niệm 10 năm EAS được tổ chức và đây sẽ là một hội nghị quan trọng thảo luận về các thách thức, bao gồm cả Biển Đông.

Chúng tôi từng thảo luận với Trung Quốc về Biển Đông trên nhiều cấp độ cả song phương, đa phương. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục hối thúc họ dừng những hoạt động hiện nay, đồng thời kêu gọi tất cả các bên dừng những hoạt động như vậy.

Vai trò đại sứ

Mỗi nước ASEAN có một Đại sứ Mỹ. Bà có thể làm rõ vai trò của một Đại sứ Mỹ tại ASEAN, và liệu các nước thành viên như Việt  Nam có thể có lợi gì từ Đại sứ này.

ASEAN có một ban thư ký tại Jakarta, tất cả các nước đều gửi đại diện của mình tới đây. Tôi làm việc với tất cả 10 vị đại diện này. Có nhiều vấn đề mang tính xuyên suốt, như buôn lậu mà Việt Nam chắc không thể tự mình giải quyết được. Một vấn đề tương tự là trong dự án AEC, chúng tôi muốn tạo lập cơ chế một cửa ASEAN, một vấn đề cần sự kết nối của toàn bộ các nước ASEAN.

Dưới góc nhìn của tôi ASEAN là một khối, Mỹ muốn hỗ trợ tính thống nhất và vững mạnh của ASEAN. Việt Nam sẽ có lợi ích khi ASEAN vững mạnh…

Và khi quay trở lại với quan hệ Việt - Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam sẽ là người chịu trách nhiệm... Tôi từng được đào tạo cùng Ted và tôi tôn trọng ông ấy.

Lợi ích cho Việt Nam từ AEC

Thưa Đại sứ, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thiết lập vào cuối năm nay. Vậy lợi ích lớn nhất mà AEC mang lại cho Việt Nam về mặt kinh tế và an ninh là gì?

AEC là một dự án đầy tham vọng và ấn tượng mà Mỹ đặt nhiều kỳ vọng. Cuối năm nay là một dấu mốc quan trọng, song đó không phải là điểm kết thúc của dự án này. Nó sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Vào những năm 1990, khi đưa ra ý tưởng ASEAN sẽ là một khu vực phi thuế quan, rất nhiều người đã không tin. Nhưng đến nay ASEAN gần như đã trở thành một khu vực như thế. Nhưng vẫn còn nhiều việc khác phải làm, về các mặt đào tạo kỹ năng hay các lĩnh vực dịch vụ…

Việt Nam sẽ có được rất nhiều lợi ích. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có khả năng xuất khẩu dễ dàng hơn tới nhiều nước Học sinh, sinh viên có thể học nhiều trường đại học hơn, bằng cấp được các nước thành viên công nhận. Còn các chuyên gia được di chuyển, làm việc tại nhiều nước khác nhau. Hà Nội khi đó có thể thu hút dòng vốn đầu tư lớn hơn từ các nước ASEAN và thế giới.

Một điểm nhấn quan trọng trong dự án AEC là cơ chế một cửa ASEAN, giúp thủ tục hải quan dễ dàng hơn. Một doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần làm thủ tục một lần mà có thể xuất khẩu sang 9 nước ASEAN, thậm chí có thể làm trực tuyến. Điều này sẽ được thực hiện trong thời gian tới, hiện chúng tôi đang làm các chương trình thử nghiệm.

Về mặt an ninh, hãy nhìn nhận dưới góc độ một khi AEC được thiết lập, nó sẽ đưa 10 nước ASEAN gần nhau hơn về kinh tế. ASEAN sẽ thống nhất hơn, đóng vai trò quan trọng hơn trong đảm bảo an ninh, hòa bình khu vực.

Quan hệ Việt - Mỹ và ASEAN - Mỹ bổ trợ cho nhau

Trong buổi họp báo, Đại sứ Hachigian nhấn mạnh ASEAN là “hòn đá tảng” trong chính sách xoay trục về châu Á của Mỹ và Việt Nam là một phần cực kỳ quan trọng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Đại sứ Hachigian cho biết bà chính là một ví dụ của chính sách tái cân bằng. “Tôi là đại sứ thường trực thứ hai Mỹ tại phái đoàn thường trực của Mỹ tại ASEAN, trụ sở tại Jakarta. Tôi đã chuyển nhà qua Thái Bình Dương đến sống trong lòng ASEAN, và đó chính là một biểu hiện cho thấy sự cam kết, chia sẻ của Mỹ với ASEAN, dù theo một cách rất nhỏ”, Đại sứ Hachigian nói.

Trong dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, tôi muốn nhấn mạnh quan hệ song phương Việt Nam - Mỹ và ASEAN - Mỹ bổ trợ cho nhau. Chúng tôi ủng hộ một Việt Nam thịnh vượng, độc lập, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật, nhân quyền. Chúng tôi cũng ủng hộ một ASEAN đoàn kết, thịnh vượng, vững mạnh...

Bà Hachigian cho biết Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở khu vực ASEAN, lớn hơn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Hiện các công ty Mỹ đang chú trọng đầu tư vào ASEAN hơn thị trường Trung Quốc bởi họ nhìn thấy cơ hội tăng trưởng rất lớn ở khu vực này, đương nhiên Việt Nam nằm trong số đó.

Chính phủ Mỹ cũng đã tiến hành nhiều hoạt động khác nhau. Washington đã đầu tư trên 4 tỷ USD trong 5 năm qua nhằm hỗ trợ phát triển trong khu vực. Trong đó có chương trình cung cấp nước sạch cho 3, 5 triệu người tại ASEAN, hỗ trợ EAC, đào tạo trên 3.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ sẵn sàng cho cộng đồng kinh tế ASEAN.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang hợp tác với các quốc gia ASEAN trong lĩnh vực hàng hải, giúp xây dựng năng lực nhận thức trong hàng hải. Ngoài ra, Mỹ có chương trình các nhà lãnh đạo trẻ ASEAN thu hút hơn 40.000 thành viên trên toàn khối. Trong đó, Việt Nam là nước có số thành viên nhiều nhất.

Theo Thoa Phạm (Dân trí)

;
.
.
.
.
.