.

G7 đối phó với mối đe dọa an ninh

.

Các nhà lãnh đạo của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) bày tỏ sự đoàn kết trong việc đối phó với các mối đe dọa an ninh toàn cầu, từ sự nổi dậy của các chiến binh thánh chiến, đến những gì mà Tổng thống Mỹ Barack Obama cho là “hành động của Nga ở Ukraine”.

Các nhà lãnh đạo G7 đã bàn thảo hàng loạt vấn đề nóng. 		         Ảnh: AFP
Các nhà lãnh đạo G7 đã bàn thảo hàng loạt vấn đề nóng. Ảnh: AFP

G7 họp mà không có sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thay vào đó, nhóm các nước giàu này đã mời Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi và tân Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đến khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Garmisch-Partenkirchen, phía nam của nước Đức. Cả Iraq và Nigeria đều đang chống lại bạo lực Hồi giáo.  

Cuộc chiến chống IS

Hãng AFP cho biết, vấn đề mà Thủ tướng Abadi đặt ra tại bàn nghị sự là chiến dịch do Mỹ dẫn đầu nhằm hỗ trợ Iraq chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), lực lượng đang nắm giữ hơn 1/3 lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, trong cuộc gặp gỡ song phương ngày 8-6, ông Abadi cũng trao đổi với Tổng thống Obama về chiến dịch giành lại các khu vực đã rơi vào tay của IS.

Theo đó, ông muốn Washington cung cấp thêm thiết bị quân sự để giúp Iraq đối phó IS. Thực tế, chiến lược của liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu bộc lộ nhiều bất cập. Mỹ, Pháp hay một vài thành viên NATO chủ yếu tham gia các cuộc không kích IS, trong khi nhiệm vụ chiến đấu trên bộ do quân đội Iraq đảm nhiệm.

Song, lực lượng Iraq mỏng và thiếu tính chiến đấu. Hơn nữa, mối đe dọa từ IS được cho là sẽ tác động các nước G7, bao gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada.

Trong khi đó, tân Tổng thống Nigeria Buhari đến Đức nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ để chống lại các chiến binh Boko Haram, lực lượng bị cáo buộc liên quan đến cái chết của khoảng 15.000 người kể từ năm 2009 đến nay. Chỉ trong một tuần ông Buhari nắm quyền, 11 vụ tấn công riêng rẽ đã xảy ra, làm ít nhất 93 người thiệt mạng.

Trừng phạt Nga

Một trong những nội dung chi phối các cuộc gặp của G7 là chính sách với Nga liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, G7 không muốn Nga trở lại khối vì phản đối lập trường của Mátxcơva trong cuộc khủng hoảng này. Bà Merkel thúc giục cộng đồng quốc tế sát cánh để cùng chống Nga cho đến khi thỏa thuận ngừng bắn vốn ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus được thực thi.

Thủ tướng Anh David Cameron cũng kêu gọi lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) thống nhất duy trì việc trừng phạt Nga, bất chấp những tổn thương có thể gây ra cho toàn khối. Nga đã bị G7 loại khỏi nhóm sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm ngoái.

Theo các nhà quan sát, mặc dù Tổng thống Putin đã khẳng định “không cần phải sợ Nga”, nhưng diễn biến mới nhất khơi mào những quan ngại rằng, thỏa thuận ngừng bắn Minsk do Pháp và Đức hậu thuẫn cách đây 4 tháng có thể sụp đổ. Ngoài ra, quan hệ giữa G7 với Nga căng thẳng sẽ gây bất lợi bởi Mátxcơva đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề hòa bình Trung Đông hay chương trình hạt nhân Iran.

Theo AP, nhiều vấn đề khác cũng được G7 đặt ra như biến đổi khí hậu, nợ công của Hy Lạp... G7 đã bàn về các mục tiêu cần đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu cuối năm nay ở Paris (Pháp). Mục tiêu cụ thể nhất là giảm hiệu ứng nhà kính, ngăn khí hậu trái đất tăng thêm 2 độ C từ nay đến cuối thế kỷ.

Nói về mục tiêu chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, G7 đang đi đúng hướng. Đồng thời, ông thúc giục những cam kết “thực tế và khách quan” để giảm sự ấm nóng toàn cầu trong những năm tới.

G7 phản đối Trung Quốc xây đảo trên Biển Đông

Lãnh đạo G7 đã bày tỏ phản đối việc Trung Quốc xây dựng đảo quy mô lớn trái phép tại Biển Đông như một phần trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi nguyên trạng vùng biển này bằng vũ lực. Bên cạnh đó, các lãnh đạo G7 khẳng định Bắc Kinh cần làm sáng tỏ cơ sở của những tuyên bố chủ quyền căn cứ vào luật pháp quốc tế, chứ không phải bằng biện pháp đe dọa hay sử dụng vũ lực và cưỡng ép.

TTXVN

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.