.

G7 loại Nga khỏi cuộc chơi

.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không có tên trong danh sách khách mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Đức vào tuần tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức.   Ảnh: CNN
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức. Ảnh: CNN

Ngày 7 và 8-6 tới, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7, cùng với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Canada, Ý và Nhật Bản. Từ năm 1998, G7 được mở rộng thành G8 khi có sự tham gia của Nga.

Hãng AP cho rằng, việc Nga không được mời tham dự Hội nghị G7 lần này là một phần trong các biện pháp trừng phạt với cáo buộc Mátxcơva ủng hộ lực lượng ly khai ở đông Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin vẫn đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế, chẳng hạn các cuộc đàm phán về hạt nhân với Iran do Mỹ dẫn đầu.

Hơn nữa, mới đầu tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đến Mátxcơva và có cuộc hội đàm với Tổng thống Putin. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đến Sochi và gặp gỡ ông chủ Điện Kremlin. Những ngày gần đây, ông Putin và Thủ tướng Anh David Cameron trao đổi qua điện thoại, thống nhất nối lại các cuộc đối thoại nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria. Song, G7 vẫn loại Nga khỏi sự kiện quan trọng lần tới ở Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố việc Nga quay trở lại nhóm là điều “không tưởng” cho đến khi Mátxcơva thay đổi lập trường về cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Chính Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã bác bỏ đề nghị mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Ông Steinmeier cho rằng, quan hệ với Điện Kremlin không thể bình thường như trước nữa sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.

Thực tế, quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên xấu đi xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) cuối tuần qua còn chỉ trích việc Nga công bố “danh sách đen” mới, theo đó cấm 89 chính trị gia và các lãnh đạo quân sự của 17 nước châu Âu vào lãnh thổ Nga. Lệnh cấm này làm châu Âu tức giận.

Tuy nhiên, báo chí Đức dẫn lời Chủ tịch Ủy ban quan hệ kinh tế phía đông của Đức Eckhard Cordes nhận định: Cơ hội giải quyết xung đột ở Ukraine bị bỏ lỡ khi mô hình thảo luận như cuộc gặp G7 không được tận dụng để đối thoại với Nga. Theo ông Cordes, Hội nghị G7 + Nga có thể đóng góp vào việc giải quyết khủng hoảng và thúc đẩy Mátxcơva chuyển sang hành động mang tính xây dựng trong cuộc xung đột Ukraine.

Trong khi đó, Chủ tịch Diễn đàn Đức - Nga Matthias Platzeck, một thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ xã hội Đức, nói rằng đã đến lúc nên mời Nga trở lại G7. “Các tiến trình hòa bình ở Trung Đông, ở Iran, Afghanistan và Syria không thể giải quyết mà không có Nga”, ông Platzeck nói. Reuters còn dẫn lời ông nói thêm rằng, cuộc chiến chống khủng bố cũng cần sự hỗ trợ của tình báo Mátxcơva.

Năm ngoái, G8 đã trở thành G7 sau khi các nước G7 không cử các nhà lãnh đạo đến Sochi để tham dự hội nghị của khối này. G7 cũng triệu tập cuộc họp ở Brussels (Bỉ) mà không có sự hiện diện của Nga.

Hãng AP cho biết, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ các nhà lãnh đạo châu Âu tại Đức vào ngày 7 và 8-6 tới, ông có thể đề cập việc gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga trong mùa hè này. Hiện vẫn có ít dấu hiệu cho thấy các cuộc giao tranh ở đông Ukraine kết thúc, dù thỏa thuận ngừng bắn Minsk đã được ký kết cách đây 3 tháng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.