Quốc tế

G7 tìm giải pháp chống Nga

07:41, 08/06/2015 (GMT+7)

Một trong những vấn đề mà nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong 2 ngày 7-6 và 8-6 là việc chống lại Nga. Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định như vậy khi ông được Thủ tướng Đức Angela Merkel chào đón trước thềm hội nghị.

Tổng thống Barack Obama gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel.    			        Ảnh: AFP
Tổng thống Barack Obama gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AFP

Với sự vắng mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Mỹ đang kêu gọi gia tăng áp lực lên Mátxcơva, cáo buộc quốc gia này hậu thuẫn lực lượng ly khai ở đông Ukraine. Và như thế, cuộc khủng hoảng Ukraine trở thành một trong những nội dung chính tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở thành phố Garmisch-Partenkirchen, cực nam của nước Đức.

Hãng AFP cho biết, Tổng thống Obama đến Đức với mong muốn các đồng minh châu Âu tăng cường trừng phạt Nga trong bối cảnh bạo lực leo thang ở Ukraine. Ông nói với cố vấn Ben Rhodes rằng, Nga sẽ tiếp tục đối mặt với các biện pháp trừng phạt cho đến khi một giải pháp được thực thi đầy đủ. Hiện nay, nền tảng phương pháp tiếp cận của chính phủ Barack Obama với Nga là trừng phạt và cô lập kinh tế.

Trong khi đó, có mặt tại Đức, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk cũng nói rằng, ông muốn tái khẳng định sự thống nhất của G7 trong việc áp đặt chính sách trừng phạt Nga. Theo cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, câu hỏi duy nhất được đặt ra trong lúc này là có nên thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn hay không.

Hội nghị lần này đánh dấu năm thứ hai nhóm các nước giàu nhất thế giới này nhóm họp, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Canada, mà không có sự hiện diện của Tổng thống Putin. Sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga từ năm ngoái, G8 đã trở thành G7, do loại Nga khỏi cuộc chơi này. Giới phân tích rằng, động thái nằm nhằm cô lập Tổng thống Putin và thúc đẩy sự gắn kết của phương Tây trong việc chống lại Mátxcơva.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn là một nhân vật quan trọng trong các vấn đề quốc tế. Bởi lẽ, Nga hiện là đối tác của Mỹ và các nước khác trong các cuộc đàm phán về hạt nhân với Iran, hay giải quyết nội chiến ở Syria.

Trả lời phỏng vấn báo Corriere della Sera của Ý ngày 6-6, Tổng thống Putin khẳng định Nga và Mỹ vẫn là đồng minh trong nhiều vấn đề. Ông nhấn mạnh: Chính sách của Mátxcơva không mang tính thù địch, không tấn công toàn cầu. Tất cả những gì Nga làm là đáp trả những mối đe dọa nhằm vào nước này và các đòn đáp trả cũng chỉ được thực hiện ở quy mô hạn chế, đủ để bảo đảm cho an ninh cho Mátxcơva.

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ quan điểm: Thỏa thuận Minsk là giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo đó, Nga sẽ hỗ trợ thực hiện đầy đủ thỏa thuận đang trong tình trạng mong manh này khi bạo lực vẫn không ngừng gia tăng. “Tôi muốn nói rằng không cần phải sợ Nga”, ông chủ Điện Kremlin nói.

Cũng theo AP, các nước châu Âu đang xem xét cam kết của Mỹ trong việc cô lập và làm suy yếu nền kinh tế Nga. Thực tế, châu Âu có mối quan hệ gắn kết với Nga hơn với Mỹ. Một số nhà lãnh đạo châu Âu đang đối mặt với áp lực của cộng đồng doanh nghiệp phải nới lỏng trừng phạt nhằm vào Mátxcơva do lo ngại sẽ chính các quốc gia của châu lục già cỗi này sẽ chịu thiệt hại về kinh tế.

Trong khi đó, AFP cũng cho biết, đến Đức lần này, Tổng thống Obama muốn thu hẹp những bất đồng và hàn gắn mối quan hệ với nước chủ nhà. “Mỹ và Đức là một trong những đồng minh mạnh nhất thế giới”, ông Obama nói.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Obama, Thủ tướng Merkel cho rằng, Mỹ và Đức đều chia sẻ “những giá trị chung”, đồng thời ca ngợi Washington là “đối tác thiết yếu”, bất chấp việc vẫn tồn tại những quan điểm khác biệt.

G7 sẽ ra tuyên bố về Biển Đông và Biển Hoa Đông

Báo Yomiuri của Nhật Bản cho biết, các nhà lãnh đạo G7 sẽ nêu quan ngại trước hành động đơn phương của Trung Quốc hòng thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh với nhiều nước châu Á. Theo đó, khi bế mạc, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ ra tuyên bố chung kêu gọi duy trì trật tự quốc tế ở các vùng biển dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Năm ngoái, G7 đã bày tỏ quan ngại về quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với nhiều nước châu Á liên quan tới các nguồn tài nguyên ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; đồng thời cảnh báo không sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.

PHÚC NGUYÊN

.