.

Hạ viện Mỹ thông qua, TPA vẫn giậm chân tại chỗ

.

Tổng thống Barack Obama sẽ phải chờ đợi ít nhất là cho tới đầu tuần sau mới có thể biết được số phận của quyền đàm phán nhanh mà ông rất trông đợi để có thể hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho dù Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật riêng rẽ về vấn đề này vào sáng sớm nay (theo giờ Việt Nam).

TPA đã được Hạ viện Mỹ thông qua với 219 phiếu thuận.
TPA đã được Hạ viện Mỹ thông qua với 219 phiếu thuận.

Với 219 phiếu thuận và 211 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Quyền đàm phán nhanh (TPA), công cụ cho phép chính phủ Mỹ đệ trình lên Quốc hội các thỏa thuận thương mại mà cơ quan lập pháp tối cao chỉ có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ, chứ không có quyền sửa đổi hay kéo dài thời gian bỏ phiếu. Tuy nhiên, động thái này chỉ mang tính biểu tượng khi mà ngay trước đó Hạ viện đã bác bỏ một dự luật quan trọng trong gói dự luật TPA được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận vào tháng 5 vừa qua.

Theo quy định, gói dự luật TPA chỉ có thể được đưa lên bàn Tổng thống để ký thành luật nếu Hạ viện phê chuẩn cả dự luật TPA và dự luật Hỗ trợ điều chỉnh thương mại (TAA). TAA, dự luật nhằm hỗ trợ và đào lại nhân công bị mất việc làm do ảnh hưởng của các thỏa thuận thương mại đã bị Hạ viện bác bỏ với tỷ lệ 302 phiếu chống và 126 phiếu thuận.

Phần lớn các hạ nghị sỹ Dân chủ và nhiều nghị sỹ Cộng hòa đã bỏ phiếu chống với lý do dự luật này không đủ để hỗ trợ người lao động Mỹ cũng như để phản đối đề xuất cắt 700 triệu USD trong khoản ngân sách 2,6 tỷ USD tiền bảo hiểm y tế dành cho người cao tuổi (Medicare) để hỗ trợ cho chương trình TAA.

Việc Hạ viện bác bỏ dự luật TAA được xem là một đòn nặng đối với Tổng thống Obama, người đã đích thân tới Quốc hội Mỹ trước thời điểm bỏ phiếu để thuyết phục các nghị sỹ đảng Dân chủ. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi thậm chí còn không hề úp mở khi tuyên bố bỏ phiếu chống đối với TAA để ngăn chặn quyền đàm phán nhanh. Quyền đàm phán nhanh vốn được coi là điều kiện thiết yếu để có thể kết thúc đàm phán Hiệp định TPP, do các nước tham gia đều không muốn đưa ra những nhượng bộ để rồi sau đó lại bị Quốc hội Mỹ thay đổi.

Trong khi hầu hết các nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ TPP thì phần lớn các nghị sỹ Dân chủ lại phản đối hiệp định này do lo ngại rằng một khu vực tự do thương mại chiếm tới 30% thương mại và 40% kinh tế toàn cầu sẽ chỉ mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn Mỹ cũng lo ngại nhiều người lao động trong nước sẽ mất việc do các công ty Mỹ sẽ tìm nguồn nhân công giá rẻ ở nước ngoài.

Dù dự luật Hỗ trợ điều chỉnh thương mại thất bại nhưng gói dự luật Quyền đàm phán nhanh vẫn còn cơ hội khi phe Cộng hòa tại Hạ viện tuyên bố sẽ tiến hành bỏ phiếu lại đối với TAA vào thứ 3 tuần tới với hy vọng Tổng thống Obama sẽ có thêm thời gian để thuyết phục các nghị sỹ Dân chủ. Nếu dự luật TAA được thông qua thì chắc chắn Tổng thống Obama sẽ được trao quyền đàm phán nhanh còn nếu một lần nữa thất bại thì gói dự luật TPA sẽ được đẩy trở về Thượng viện để xem xét lại.  

Bất chấp thất bại lần này, chính phủ Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng gói dự luật quyền đàm phán nhanh sẽ được Quốc hội thông qua khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng kịch bản bác bỏ rồi sau đó thông qua tại Thượng viện sẽ được lặp lại tại Hạ viện.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.