ĐNĐT - Ngày 18-6, cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến về lộ trình cải cách bầu cử tại Hong Kong vốn được Bắc Kinh ủng hộ đã bị giới lập pháp thành phố này “vùi dập”.
Giới lập pháp ủng hộ dân chủ Hong Kong hô khẩu hiệu sau khi bỏ phiếu phủ quyết dự luật cải cách bầu cử tại Nghị viện Hong Kong, ngày 18-6-2015. Ảnh: Reuters |
Trước khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, 33 nghị sĩ ủng hộ Bắc Kinh đã bỏ ra ngoài nhưng các nghị sĩ ủng hộ dân chủ đã ngồi lại để bày tỏ tình đoàn kết. Muốn được thông qua, dự luật cải cách chính trị này phải được ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, chỉ có 8 phiếu thuận và 28 phiếu chống.
Chủ tịch Hội đồng lập pháp Hong Kong, Jaser Tsang, cho biết: “Cuộc trưng cầu ý kiến đã không đạt được đa số 2/3 phiếu bầu. Tôi thông báo rằng, cuộc trưng cầu ý kiến đã bị phủ quyết”.
Mặc dù kế hoạch của chính quyền Hong Kong là sẽ cho phép toàn bộ cư dân xứ này quyền bầu Trưởng đặc khu hành chính lần đầu tiên vào năm 2017, nhưng họ cũng kèm theo một phán quyết của Bắc Kinh rằng, các ứng cử viên phải được một ủy ban trung thành chấp thuận.
Đề xuất này được giới lập pháp đối lập và các nhà vận động dân chủ diễn giải là “nền dân chủ giả hiệu”.
Lãnh đạo Đảng Công dân (Civic Party), Alan Leong cho rằng, “cuộc trưng cầu ý kiến này sẽ “chìm trong lịch sử” khi chỉ có 8 người bỏ phiếu ủng hộ”. Và rằng: “Bản thông điệp mà các nghị sĩ gởi tới chính phủ trung ương và chính quyền Hong Kong là dân Hong Kong không muốn khoác lên mình gói dân chủ giả hiệu này”.
“Chúng tôi không muốn các lá phiếu của mình được sử dụng để hợp pháp hóa việc xức dầu thánh cho một trưởng đặc khu mà chỉ thuộc về và chịu trách nhiệm cho các quyền lợi ban phát”.
Trước cuộc trưng cầu tại nghị viện Hong Kong, vào ngày 21 tháng 9 năm 2014, Quốc hội Trung Quốc khẳng định người dân Hồng Kông chỉ được quyền bầu đặc khu trưởng vào năm 2017 theo danh sách ứng cử viên được ủy ban bầu cử chấp thuận. Điều này nghĩa là, người Hong Kong chỉ được quyền đề cử từ 2 đến 3 ứng cử viên cho vị trí Trưởng đặc khu hành chính. Các ứng cử viên này phải được một ban đề cử 1.200 người ủng hộ trước khi 5 triệu dân Hong Kong bỏ phiếu.
Tuyên bố này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối, đòi bầu cử tự do, làm tê liệt đường phố Hong Kong trong nhiều tuần liền.