.

Hy Lạp đóng cửa các ngân hàng

.

Hy Lạp đã quyết định đóng cửa các ngân hàng từ tối 28-6 và áp đặt biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn tình trạng hỗn loạn tài chính sau khi các cuộc đàm phán cứu trợ với các chủ nợ quốc tế rơi vào bế tắc. Động thái này được đưa ra vào thời điểm "xứ sở thần thoại" đang tiến gần hơn tới nguy cơ phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Một nhân viên bảo vệ mang hộp đựng tiền vào Ngân hàng quốc gia Hy Lạp tại Athens. Người dân nước này đã đổ xô đi rút tiền trong những ngày qua. Ảnh: Reuters
Một nhân viên bảo vệ mang hộp đựng tiền vào Ngân hàng quốc gia Hy Lạp tại Athens. Người dân nước này đã đổ xô đi rút tiền trong những ngày qua. Ảnh: Reuters

Hội đồng ổn định tài chính Hy Lạp, bao gồm đại diện chính phủ, các nhà điều hành và các ngân hàng, đã quyết định áp đặt các biện pháp kiểm soát từ đêm 28-6 sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ đóng băng các khoản vay khẩn cấp mà thiết chế này cung cấp để "nuôi sống" hệ thống ngân hàng Hy Lạp.

Trong tuyên bố về biện pháp kiểm soát vốn trên truyền hình, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã trấn an người dân Hy Lạp rằng các khoản tiền gửi của họ vẫn an toàn.

Trong khi đó, truyền thông Anh đưa tin các ngân hàng Hy Lạp sẽ đóng cửa đến ngày 7-7, 2 ngày sau khi nước này tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về các điều khoản cứu trợ mà các chủ nợ quốc tế đưa ra.
Trong một diễn biến cho thấy sự gia tăng can dự của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng Hy Lạp, Tổng thống Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và đề nghị có hành động khẩn cấp để giữ Hy Lạp ở lại Eurozone. Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel nhất trí rằng Hy Lạp cần tìm cách trở lại con đường cải tổ mà không rời khỏi Eurozone.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cũng ra một tuyên bố sau cuộc hội đàm với những người đồng cấp Đức và Pháp đề nghị các chủ nợ xem xét giảm nợ cho Hy Lạp, một tình huống mà Đức và các nước thành viên Eurozone khác phản đối mạnh mẽ.

Cũng trong ngày 28-6, Ngân hàng Trung ương Macedonia đã ra lệnh cho tất cả các ngân hàng của nước này rút các khoản tiền gửi tại các ngân hàng ở Hy Lạp và cho biết đã áp dụng “các biện pháp phòng ngừa” để ngăn dòng vốn chảy sang nước láng giềng phía Nam.

IMF sẵn sàng hỗ trợ giải quyết khủng hoảng

Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho biết tổ chức này đang theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp và các nước láng giềng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ “khi cần”.  Bà Lagarde cũng bày tỏ thất vọng việc các cuộc đàm phán hôm 27-6 giữa Hy Lạp và các chủ nợ đã thất bại, song bà tin tưởng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) “có lập trường vững chắc” trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng. Bà tuyên bố: “Tôi hoan nghênh các thông cáo của Eurogroup và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sử dụng mọi công cụ có thể để bảo vệ sự toàn vẹn và ổn định của Eurozone”.

Cùng ngày, thông tin từ Phủ Tổng thống Pháp cho hay ông Francois Hollande sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn với thành phần gồm các bộ trưởng chủ chốt vào sớm ngày 29-6 để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp. Thông cáo của Điện Elysee cho biết ông Hollande sẽ tổ chức “một cuộc họp nội các hạn chế” vào 9 giờ (7h00 GMT) ngày 29-6.

Theo Tin tức

;
.
.
.
.
.