Rất nhiều ngân hàng lớn của Mỹ và quốc tế đang nằm trong tầm ngắm tại Hoa Kỳ. Washington tăng cường điều tra các hợp đồng tuyển dụng "con ông cháu cha" các lãnh đạo Trung Quốc.
Trụ sở ngân hàng J.P Morgan Chase & Co tại New York. |
Theo các nguồn tin xin giấu tên được AFP dẫn lại, các cuộc điều tra được Bộ Tư Pháp Mỹ bắt đầu từ năm 2013, thông qua văn phòng Chưởng lý Brooklyn, chi nhánh Cục dự trữ Liên bang New York và Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), là cơ quan đóng vai trò chủ đạo.
Chính quyền Hoa Kỳ nghi ngờ các ngân hàng trên đã tuyển dụng con em của nhiều lãnh đạo Trung Quốc từ những năm 2000, với hy vọng nhận được hợp đồng hoặc để đảm bảo các mối quan hệ cần thiết để phát triển tại thị trường đông dân nhất thế giới này.
Trong những tháng gần đây, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) đã yêu cầu các ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley, UBS, Crédit Suisse, Deustche Bank và Citigroup giải trình về hàng chục trường hợp tuyển nhân viên.
Các ngân hàng trên buộc phải kiểm tra lại mọi thư từ điện tử trao đổi về hàng chục trường hợp tuyển dụng và thực tập tại Trung Quốc. AFP liên lạc với các ngân hàng trên, hiện chỉ có UBS cho biết hợp tác với các nhà điều tra Mỹ. Còn các ngân hàng khác không muốn đưa ra bình luận.
Trong các bản báo cáo hoạt động được công bố gần đây, các ngân hàng trên thông báo họ nằm trong danh sách điều tra của các nhà điều phối Mỹ liên quan tới các trường hợp tuyển dụng tại Trung Quốc và cho biết hợp tác với các nhà điều tra.
Chính sách tuyển dụng ''con ông cháu cha'' của J.P Morgan
Vẫn theo những nguồn tin thân cận với hồ sơ, ngân hàng J.P Morgan còn nhận được yêu cầu cung cấp cho SEC các thư từ trao đổi liên quan tới khoảng 30 cán bộ cấp cao của Trung Quốc, trong đó có ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc.
Ủy ban Chứng khoán Mỹ SEC dường như cũng đã yêu cầu J.P Morgan cung cấp danh tính những người phụ trách các cơ quan chính phủ Trung Quốc, trong đó có Ủy ban chuyên trách giám sát tài sản nhà nước và cơ quan điều phối ngân hàng, vì các tổ chức này có thể đã đề xuất danh sách ứng cử viên.
Theo nguồn tin, từ năm 2006-2013, ngân hàng J.P Morgan có hẳn một chương trình tuyển dụng đặc biệt. Có ba hoặc bốn lãnh đạo cao cấp của JPMorgan đã rời ngân hàng, trong đó có Fang Fang từng giữ chức phó Giám đốc ngân hàng đầu tư vào Châu Á và là cầu nối giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các ngân hàng tại phố Wall.
Các nhà điều tra Hoa Kỳ hiện có trong tay nhiều thư điện tử trao đổi giữa các nhân viên của J.P Morgan, trong đó có nhiều thư liên quan tới trường hợp tuyển dụng Cao Ngọc (Gao Jue) vào năm 2007. Đây là con trai Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc và được đánh giá là "thí sinh kém nhất". Dù không phải là khách hàng của J.P Morgan, nhưng Bộ Thương mại, với tư cách là nhà điều phối, có quyền quyết định về việc hợp nhất các doanh nghiệp tại Trung Quốc.
Phát biểu trên kênh CNBC, James Gorman, ông chủ ngân hàng Morgan Stanley, cho biết: "Vấn đề là cần xem xét liệu con em cán bộ cấp cao Trung Quốc có đủ năng lực để đảm nhiệm những chức vụ được giao hay không". Phần lớn trong số họ học tập tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ, trong đó phải kể tới trường Harvard danh tiếng. Ông Jacob Frenkel, cựu chưởng lý chuyên trách về tham nhũng, nhận định không nên gắn bất kỳ trường hợp tuyển dụng con ông cháu cha nào với hành động tham nhũng nếu họ là người có năng lực thật sự.
Hiện chưa có phát hiện sai phạm nào đối với các ngân hàng quốc tế. Ngân hàng Credit Suisse đã tuyển Ôn Như Xuân (Wen Ruchun), dưới tên gọi Ôn Khánh Ngọc (Lily Wen), trong khoảng thời gian từ 1999-2001, là con gái của Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Cô cũng được thuê với tư cách là cộng tác viên của công ty Fullmark Consultants Limited. J.P Morgan cũng đã từng tuyển dụng cô vào chức vụ cố vấn.
Ngân hàng Goldman Sachs tuyển Giang Chí Thành (Jiang Zhicheng), cháu của của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin). Tương tự, Đường Hiểu Chữ (Tang Xiaoning), con trai chủ tịch Tập đoàn tài chính quốc doanh Quang Đại Đường Song Ninh (China Everbright Group Tang Shuangning) đã từng làm việc tại J.P Morgan, Citigroup và Goldman Sachs.
Theo Lao Động