Vấn đề Biển Đông sẽ được đặt lên bàn nghị sự tại Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ - Trung Quốc diễn ra vào ngày 22-6 và 23-6 ở Washington. Mỹ cam kết sẽ không giấu những khác biệt với Trung Quốc tại cuộc đối thoại này, trong đó có những căng thẳng xung quanh vấn đề Biển Đông.
Hãng AFP dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, cuộc đối thoại lần này sẽ là diễn đàn quan trọng để thu xếp những bất đồng trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Ông Daniel Russel, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ bàn bạc, chúng tôi sẽ đề cập những khác biệt. Chúng tôi tìm cách giải quyết các vấn đề và cả những vấn đề mà chúng tôi dường như không thể giải quyết được”. “Chúng tôi không che giấu những khác biệt này. Chúng tôi không mắt nhắm mắt mở đối với các vấn đề”, vị quan chức này nói thêm.
Cũng theo ông Russel, tranh chấp hàng hải trên Biển Đông về cơ bản không chỉ là vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là vấn đề của các nước trong khu vực. Washington kiên quyết tránh đối đầu quân sự. Song, ông Russel nói rằng, các nguyên tắc tự do hàng hải, hàng không đang bị đe dọa, và các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc phải phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mỹ cáo buộc Trung Quốc tạo ra hơn 800 hecta đảo nhân tạo trên Biển Đông nhằm đơn phương áp đặt chủ quyền đối với vùng biển này. Tuy nhiên, Bắc Kinh biện hộ rằng, dự án bồi đắp đảo nhân tạo “cần thiết cho phục vụ các mục đích dân sự và quân sự” (!?).
Tờ Trung Quốc Nhật báo bày tỏ sự lạc quan về cuộc đàm phán thường niên nói trên. Hơn nữa, đàm phán diễn ra trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9 tới. Giáo sư Wang Yiwei về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin cho rằng, Mỹ hiểu những hệ quả trong việc đối lập giữa Washington và Bắc Kinh nên xung đột sẽ không xảy ra trên bàn nghị sự.
Phía Trung Quốc cũng muốn tránh những mâu thuẫn tại đối thoại. Theo trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trịnh Trạch Quang, Bắc Kinh sẽ cố gắng kiểm soát và xử lý một cách tích cực những khác biệt với Mỹ trong tranh chấp hàng hải và cả về an ninh mạng lẫn vấn đề nhân quyền.
PHÚC NGUYÊN