Theo các nhà quan sát, cuộc tập trận quân sự nhỏ của Nhật Bản và Philippines diễn ra trong tuần này trên Biển Đông là dấu hiệu cho thấy Tokyo ngầm hỗ trợ những tuyên bố chủ quyền của Manila tại vùng biển đang tranh chấp này. Đây cũng là bước đi nhằm mở rộng vai trò quân sự của Nhật Bản.
Máy bay P-3C Orion của Nhật Bản trong một lần bay qua đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Ảnh: AP |
Ngày 23-6, máy bay do thám P3-C Orion của Nhật Bản và khoảng 20 binh sĩ xuất hiện trong cuộc tập trận kéo dài 2 ngày với hải quân Philippines ở ngoài khơi đảo Palawan, một đảo chiến lược quan trọng không xa các đảo mà Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á đang cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. P3-C Orion được một phi cơ tuần tra Philippines nhỏ hơn bay theo hộ tống.
Hãng AP cho biết, Nhật Bản và Philippines cùng diễn tập tìm kiếm và cứu hộ - hai hoạt động quan trọng trong mọi chiến dịch ứng phó thiên tai cũng như cứu trợ nhân đạo. Chỉ huy lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) Hiromi Hamano xác nhận đây là lần đầu tiên Tokyo diễn tập các hoạt động này với Manila. AP dẫn lời ông Narushige Michishita, chuyên gia quốc phòng tại Viện Nghiên cứu chính sách Đại học quốc gia ở Tokyo nói rằng, trong những năm tới, Nhật Bản sẽ tham gia hoạt động giám sát trên Biển Đông. “Nhật Bản sẽ tham gia cùng Mỹ, Úc, Philippines và các nước khác”, ông Hiromi Hamano nói.
Reuters dẫn lời các nhà quan sát nhận định sự hiện diện của Nhật Bản trong cuộc tập trận là dấu hiệu cho thấy Tokyo ngầm hỗ trợ những tuyên bố chủ quyền của Manila tại Biển Đông. Song, động thái như thế của Nhật Bản được cho là sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, khi hai nước đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Hơn nữa, Tokyo đang đối mặt với sự phản đối từ dư luận trong nước khi họ không muốn quân đội Nhật Bản tham gia các tranh chấp quân sự ở nước ngoài.
Tuần trước, Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc xây xong đảo nhân tạo thì không có nghĩa Bắc Kinh có quyền sở hữu những đảo này, bởi các đảo được xây dựng trái phép trên vùng biển tranh chấp. “Với việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thiện xây dựng, chúng ta không chấp nhận rằng đảo nhân tạo này là sự đã rồi”, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bày tỏ quan ngại về cuộc tập trận giữa Nhật Bản và Philippines. Hãng Tân Hoa xã thậm chí gọi hoạt động diễn tập tìm kiếm và cứu hộ này là “sự xen ngang” của Nhật.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí Nhật Bản, tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Harry Harris cho rằng sự hiện diện của máy bay P3-C Orion hoàn toàn phù hợp với việc tuần tra trên Biển Đông. Đồng thời, ông Harris hoan nghênh việc Nhật Bản sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn đối với an ninh của khu vực. Mỹ đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nhật, Úc và các đồng minh khác để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại Nhật Bản, Quốc hội ngày 22-6 đã kéo dài phiên họp thêm 3 tháng khi Thủ tướng Shinzo Abe đối mặt với những phản ứng xung quanh kế hoạch mở rộng vai trò của quân đội trong việc giải thích lại Hiến pháp hòa bình. Theo đó, Hạ viện do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe và một đối tác liên minh nhỏ hơn nắm quyền muốn kéo dài phiên họp thêm 95 ngày (tức đến cuối tháng 9) để có thêm thời gian thảo luận về những cải cách an ninh. Các nghị sĩ có quan điểm chỉ trích vẫn cho rằng, một đạo luật cho phép quân đội Nhật tham chiến để bảo vệ đồng minh là vi hiến.
THIÊN BÌNH