Cao ủy phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici khẳng định, ông không từ bỏ hy vọng Hy Lạp sẽ ở lại khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Những người cao tuổi chờ đợi trước một ngân hàng đóng cửa ở Athens để được rút tiền. Ảnh: AP |
Theo ông, Hy Lạp nên ở lại eurozone và cánh cửa đàm phán vẫn mở. Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, thỏa thuận cứu trợ phụ thuộc vào câu trả lời của người dân Hy Lạp tại cuộc trưng cầu dân ý.
Hôm nay (30-6), nếu không thanh toán 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ USD) cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đúng hạn, Hy Lạp có nguy cơ vỡ nợ và viễn cảnh tồi tệ ra khỏi khối eurozone là điều khó tránh khỏi.
Cuộc khủng hoảng nợ công của quốc gia này đang lên đến đỉnh điểm, nhất là sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras bất ngờ kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý về các đề xuất cứu trợ của các chủ nợ, gồm: EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Phản ứng lại, các chủ nợ đã tức giận bác bỏ đề nghị gia hạn kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Athens thêm 1 tháng khi kế hoạch này hết hạn vào ngày 30-6.
“Ngàn cân treo sợi tóc”
Vị thế của Hy Lạp trong eurozone được cho là “ngàn cân treo sợi tóc”, bởi gói vay tài chính 12 tỷ euro (13,4 tỷ USD) - “phao cứu sinh” sẽ kết thúc vào ngày 30-6. Thủ tướng Tsipras vốn không đồng ý với các điều kiện cứng nhắc mà các chủ nợ đưa ra: Athens phải nâng thuế giá trị gia tăng, tiếp tục cắt giảm lương hưu...
Hãng AFP cho biết, sáng sớm 29-6, Hy Lạp tuyên bố đóng cửa các ngân hàng trong 1 tuần và áp dụng kiểm soát dòng vốn. Theo đó, các ngân hàng sẽ đóng cửa đến ngày 6-7, tức một ngày sau khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp. Dòng người vẫn xếp hàng dài tại các máy ATM để chờ rút tiền.
Theo một sắc lệnh của chính phủ Athens, người dân chỉ được rút 60 euro (65 USD) tại máy ATM, nhưng du khách nước ngoài không bị áp đặt sự giới hạn này. Một nguồn tin của ngân hàng ở Hy Lạp cho hay, chỉ 40% số máy ATM có tiền. Kể từ đêm 26-6 đến nay, 1,3 tỷ euro (1,45 tỷ USD) đã được rút khỏi hệ thống ngân hàng ở Hy Lạp.
Để trấn an dư luận, Thủ tướng Tsipras khẳng định, tiền gửi của người dân Hy Lạp tại các ngân hàng “hoàn toàn an toàn”. “Bất kỳ khó khăn nào cũng có thể được giải quyết bằng sự điềm tĩnh. Càng điềm tĩnh, chúng ta càng sớm vượt qua tình hình này”, ông Tsipras cho biết thêm, chính phủ Athens đã một lần nữa đề nghị gia hạn kế hoạch hỗ trợ tài chính.
Nhà lãnh đạo cánh tả này lý giải: Quyết định của ECB không cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng Hy Lạp đã buộc Ngân hàng Trung ương Hy Lạp ban bố kỳ nghỉ cho các ngân hàng và hạn chế rút tiền từ ngân hàng.
Song, phát biểu với nhật báo Bild của Đức ngày 29-6, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói rằng, vẫn còn thời gian cho thỏa thuận, đồng thời thúc giục các chủ nợ thể hiện thiện chí.
“Nếu khối euro thất bại, châu Âu sẽ thất bại”
Tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các nhóm nghị sĩ và các lãnh đạo đảng. Đức, chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, không che giấu việc mất kiên nhẫn với Thủ tướng Alexis Tsipras. Bà Merkel cảnh báo: “Nếu khối euro thất bại, châu Âu sẽ thất bại”, nhưng vẫn khẳng định eurozone vẫn giữ các nguyên tắc.
Tại Paris, Tổng thống Pháp Francois Hollande chủ trì cuộc họp với các bộ trưởng chủ chốt trong chính phủ. Theo ông chủ Điện Elysée, việc tổ chức trưng cầu dân ý là quyền của người dân Hy Lạp để quyết định họ muốn gì cho tương lai, nhưng việc rời eurozone sẽ tạo ra rủi ro. “Hôm nay, thỏa thuận vẫn có thể đạt được. Ngày mai, điều này phụ thuộc vào câu trả lời của người dân Hy Lạp tại cuộc trưng cầu dân ý”, ông Hollande nói.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo “nguy cơ thật sự” của việc Hy Lạp rời eurozone nếu người dân bỏ phiếu nói “không” với các đề xuất cứu trợ. “Chúng ta phải làm mọi việc để Hy Lạp ở lại eurozone… Hy Lạp cần trở lại đàm phán”, ông Valls nói. Pháp là chủ nợ lớn thứ hai của Athens.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cam kết vẫn tiếp tục làm việc với các nhà lãnh đạo để giữ Hy Lạp ở lại eurozone. Còn Cao ủy phụ trách kinh tế của EU Pierre Moscovici khẳng định ông không từ bỏ hy vọng Hy Lạp sẽ ở lại khối này.
Tuy nhiên, Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis rằng, nước ông sẽ không thúc đẩy bất kỳ đề xuất mới nào tại các cuộc đàm phán với chủ nợ và thỏa thuận phụ thuộc vào EU, ECB, IMF. Ông Varoufakis cũng khẳng định bà Merkel - đại diện quốc gia quan trọng nhất châu Âu - đang nắm giữ “chìa khóa trong tay” để có thể giúp Hy Lạp đạt được thỏa thuận và vượt qua khủng hoảng. “Các lãnh đạo chính phủ EU phải hành động”, ông Varoufakis nói.
Tại Nhật Bản, trong cuộc họp báo ngày 29-6, người phát ngôn hàng đầu của chính phủ Yoshihide Suga nói rằng, các Bộ trưởng Tài chính nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cho rằng, việc đàm phán sụp đổ tại Brussels (Bỉ) là điều “vô cùng đáng tiếc”.
PHÚC NGUYÊN