Quốc tế

THẾ GIỚI TUẦN QUA

Cuộc gặp xây dựng niềm tin

07:35, 22/06/2015 (GMT+7)

Hai Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cuộc gặp hiếm hoi nhân kỷ niệm 50 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Giới phân tích cho rằng, đây là cuộc gặp xây dựng niềm tin, bởi “niềm tin giữa Nhật Bản và Hàn Quốc phần lớn đã bị mất, và không dễ khôi phục ngay lập tức”.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida có cuộc gặp song phương hiếm hoi vào ngày 21-6.  		                      Ảnh: AP
Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se (trái) và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida có cuộc gặp song phương hiếm hoi vào ngày 21-6. Ảnh: AP

Chuyến thăm Nhật Bản của ông Yun Byung-se đánh dấu lần đầu tiên một ngoại trưởng Hàn Quốc hiện diện ở xứ sở hoa anh đào kể từ năm 2011 đến nay.

Ông Yun Byung-se và người đồng cấp nước chủ nhà Fumio Kishida đã bắt tay nhau nhưng không đưa ra bình luận nào trong một vài phút trước sự chứng kiến của báo giới, khi cả hai bước vào cuộc đàm phán được cho là “rất nhạy cảm”.

Nội dung chính mà hai nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước đề cập là nô lệ tình dục (những người phụ nữ Hàn Quốc bị buộc làm việc tại các nhà thổ cho lính Nhật trước và trong thời gian xảy ra Thế chiến thứ hai), cùng các vấn đề liên quan đến lịch sử. Vấn đề nô lệ tình dục là trở ngại chính trong việc cải thiện quan hệ giữa Tokyo và Seoul.

Theo Reuters, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Yun Byung-se và Ngoại trưởng Fumio Kishida là một phần trong nỗ lực hàn gắn quan hệ, để thúc đẩy hợp tác an ninh giữa hai đồng minh chính của Mỹ tại châu Á, trước khi nhà ngoại giao Hàn Quốc gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào hôm nay (22-6).

Trước đây, Ngoại trưởng Yun Byung-se từng có kế hoạch thăm Nhật Bản vào năm 2013 nhưng hoãn chuyến đi nhằm phản đối việc các quan chức chính phủ Soeul thăm đền Yasukuni, trong đó có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso.

Thăm dò do báo Asahi của Nhật Bản và Dong-a Ilbo của Hàn Quốc công bố ngày 21-6 cho thấy, hơn 1/2 số người được hỏi ở cả hai quốc gia đều cho rằng, trong 5 năm qua, đối với người Nhật, hình ảnh Hàn Quốc trở nên xấu đi và ngược lại.

Thăm dò cũng cho hay, 87% số người dân Hàn Quốc cảm thấy mối quan hệ đang tốt hơn với nước láng giềng, trong khi con số này ở Nhật Bản là 64%. Giáo sư khoa học chính trị Junya Nishino tại Đại học Keio nhận định: “Niềm tin giữa Nhật Bản và Hàn Quốc phần lớn đã bị mất, và không dễ gì khôi phục được ngay lập tức”.

Thực tế, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye không có các cuộc đàm phán song phương nào kể từ khi hai nhà lãnh đạo này lên nắm quyền vào năm 2012 và 2013. Khi nhậm chức vào năm 2013, Tổng thống Park Geun-hye đã tránh gặp Thủ tướng Shinzo Abe do tức giận trước việc Tokyo từ chối chuộc lỗi những việc làm sai trái trong lịch sử. Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về mối quan hệ căng thẳng giữa hai đồng minh.

Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề xuất phát từ lịch sử, Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910 đến kết thúc Thế chiến thứ hai. Mối quan hệ giữa hai nước được cải thiện vào cuối những năm 1990, nhưng giảm xuống mức thấp nhất trong những năm gần đây, chủ yếu do vấn đề nô lệ tình dục, đó là chưa nói đến việc tranh chấp chủ quyền.

Nhật Bản cho rằng, Hiệp ước năm 1965 về bình thường hóa quan hệ đã giải quyết tất cả những mọi khiếu nại về vấn đề bồi thường với Hàn Quốc. Tuy nhiên, Seoul muốn vấn đề tội phạm thời chiến, trong đó có câu chuyện nô lệ tình dục, phải được đề cập trở lại, bởi những nạn nhân bị buộc làm nô lệ tình dục trước đây nay đã cao tuổi và nhiều người đã qua đời.

Nhật Bản đã yêu cầu Hàn Quốc ngừng sử dụng cụm từ “nô lệ tình dục”. Song, Seoul cho rằng, để giải quyết vấn đề, Tokyo cần thừa nhận trách nhiệm pháp lý. Đồng thời, Seoul yêu cầu Thủ tướng Nhật Bản xin lỗi Hàn Quốc, Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc xin lỗi những người phụ nữ mua vui, và chính phủ Nhật Bản trực tiếp bồi thường cho những phụ nữ này.

Ứớc tính số phụ nữ bị quân đội Nhật hoàng bắt làm nô lệ tình dục khoảng 200.000 người và nay chỉ 53 nạn nhân Hàn Quốc còn sống.

VĨNH AN

.