Tunisia, Pháp, Kuwait đang có những động thái thắt chặt an ninh, bắt giữ nghi can…, như cách để “đối đầu tổng lực với chủ nghĩa khủng bố” sau khi 3 vụ tấn công xảy ra đồng loạt ở 3 quốc gia này vào ngày 26-6. Báo chí Pháp cho rằng, đang có một làn sóng khủng bố của những phần tử thánh chiến Hồi giáo trên thế giới và bọn khủng bố không loại trừ nơi nào.
Người dân Kuwait đưa tang các nạn nhân vụ đánh bom ở đền Al-Imam Al-Sadeq. Ảnh: AFP |
Việc một tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắn chết 39 người tại một khách sạn ở thị trấn Sousse, cách thủ đô Tunis 140km về phía nam, đã gây chấn động đất nước Tunisia. Đây là vụ tấn công lớn thứ hai ở quốc gia Bắc Phi này trong năm nay, sau vụ một chiến binh Hồi giáo xả súng vào đền Bardo ở Tunis hồi tháng 3 vừa qua, cướp đi mạng sống của một nhóm du khách nước ngoài.
Thủ tướng Tunisia Habib Essid cho biết, hầu hết nạn nhân là người Anh và Văn phòng Ngoại giao Anh cũng đã xác nhận có 15 công dân nước này thiệt mạng. Ngoài ra, trong số nạn nhân có 1 người Đức, 1 người Bỉ và 1 phụ nữ Iraq.
Bộ trưởng Du lịch Tunisia Salma Loum gọi vụ tấn công là thảm họa và các nhà chức trách cam kết thắt chặt an ninh, toàn bộ cơ quan an ninh và cảnh sát đều được đặt trong tình trạng báo động cao. Hơn 3.000 du khách nước ngoài đã rời thị trấn Sousse vào ngày 27-6, trong đó có khoảng 2.200 người Anh và gần 600 người Bỉ.
Reuters dẫn lời Hannah Russel, du khách Anh, cho biết: “Chúng tôi không muốn ở lại nữa, chúng tôi chỉ muốn gặp gia đình, cha mẹ… nên rời khỏi nơi đây càng sớm càng tốt”. Trong vòng một tuần, Tunisia cũng sẽ đóng cửa 80 ngôi đền hoạt động ngoài sự kiểm soát của chính phủ để tránh xảy ra bạo lực.
Tunisia đã trải qua cuộc chuyển tiếp dân chủ phần lớn trong hòa bình kể từ cuộc nổi dậy hồi năm 2011, nhưng quân đội vẫn đang đối mặt với sự trỗi dậy của các chiến binh Hồi giáo.
Tay súng thực hiện vụ thảm sát được xác định là sinh viên Saif Rezgui, được những kẻ chiêu mộ chiến binh Hồi giáo đào tạo trong hơn 6 tháng qua nhưng y không có tên trong bất kỳ danh sách tình nghi nào của cảnh sát. Nhiều chiến binh thánh chiến người Tunisia đã đến Syria, Iraq, hay nước láng giềng Libya, được đào tạo và cam kết trở về tấn công chính quê nhà của họ.
Trong khi đó, tại Pháp, cảnh sát đã thẩm vấn nghi phạm Yassin Salhi (35 tuổi), được cho là thực hiện vụ tấn công vào nhà máy khí đốt Air Products tại Saint-Quentin-Fallavier, cách Lyon khoảng 40km; đồng thời chặt đầu ông chủ của y. Đây là lần đầu tiên tại Pháp xảy ra một vụ tấn công khủng bố man rợ với hình thức chặt đầu nạn nhân.
Báo LeFigaro cho rằng, đây là phép thử với Tổng thống Francois Hollande, Thủ tướng Manuel Valls, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve; đồng thời là thất bại của các cơ quan an ninh, tình báo Pháp, bởi Salhi đã được cơ quan tình báo nước này lập hồ sơ, đưa vào “loại S” có liên hệ với phái Hồi giáo Salafist từ năm 2006. Còn theo báo Libération, chính phủ Pháp đang “trong tư thế chiến tranh”.
Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cam kết sẽ “tiếp tục nỗ lực không ngừng” để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Thủ tướng Manuel Valls phải cắt ngắn chuyến thăm chính thức Nam Phi để trở về nước. Pháp từng cảnh báo về việc hàng trăm công dân quốc gia này đến Iraq và Syria để “đầu quân” cho các nhóm chiến binh. Giới chức Paris giờ đây càng có lý do để bảo vệ luật do thám vừa được thông qua, theo đó trao thẩm quyền sâu rộng cho các cơ quan chức năng để do thám công dân nước này.
Với Kuwait, vụ đánh bom liều chết làm 27 người thiệt mạng và 227 người bị thương tại đền thờ Al-Imam al-Sadeq của người Hồi giáo dòng Shiite ở thủ đô Kuwait cũng diễn ra vào ngày 26-6 là nỗi kinh hoàng. Nội các Kuwait đã họp khẩn và đề nghị đặt tất cả cơ quan an ninh cùng lực lượng cảnh sát vào tình trạng báo động cao để sẵn sàng đương đầu với nạn “khủng bố đen”.
Ngày 28-6, Kuwait xác định kẻ đánh bom liều chết là Fahd Suliman Abdul-Muhsen al-Qabaa, người Saudi Arabia; đồng thời bắt giữ kẻ lái xe chở thủ phạm tới đền thờ để thực hiện vụ tấn công. Qabaa đã đáp máy bay tới sân bay Kawait vào rạng sáng 26-6, tức chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ đẫm máu.
Theo Reuters, không có bằng chứng về mối liên hệ giữa 3 vụ nói trên nhưng các vụ việc diễn ra trong một ngày ở 3 châu lục dường như nhằm làm gia tăng ảnh hưởng của IS. Từ “Ngày thứ sáu đen tối”, vấn đề bảo đảm an ninh càng được đặt ra bởi IS được cho là đang thực hiện lời đe dọa thúc đẩy các vụ tấn công trong tháng Ramadan. Các quan chức Anh lo ngại rằng, các chiến binh Hồi giáo sẽ còn tiến hành thêm các vụ tấn công tại những khu nghỉ mát ở Tunisia. Còn báo chí Pháp cho rằng, những kẻ khủng bố sẽ không loại trừ nơi nào.
VĨNH AN