Thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Philippines trong việc đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên Biển Đông mặc dù đã được ký kết được hơn một năm nhưng vẫn chưa triển khai. Và nay, thỏa thuận này tiếp tục vấp phải những cản trở tại Manila.
Các chiến xa lội nước của Mỹ tham gia tập trận ngoài khơi Philippines. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Philippines cho phép quân đội Mỹ tiếp cận rộng hơn các căn cứ quân sự của Philippines và được phép xây dựng các cơ sở dự trữ nhiên liệu cùng trang thiết bị phục vụ công tác an ninh hàng hải. Tuy nhiên, thỏa thuận rơi vào tình trạng “ngủ đông” từ cuối năm ngoái khi bị các chính trị gia cánh tả và nhóm phản đối chất vấn về tính phù hợp với Hiến pháp Philippines tại Tòa án tối cao. Tòa án tối cao Philippines dự định sẽ ra phán quyết về việc này trước chuyến thăm Manila của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhân dịp hội nghị thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11 tới.
Đề nghị Thượng viện xem xét lại
Hiệp ước hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines có tên Hiệp ước hợp tác tăng cường quốc phòng (EDCA), từng được ký kết chỉ vài ngày trước khi ông Barack Obama có chuyến thăm Manila vào tháng 4 năm ngoái.
Tuy nhiên, trong một diễn biến phức tạp khác liên quan, 13 thượng nghị sĩ trong Thượng viện gồm 24 ghế của Philippiness đã ký một nghị quyết yêu cầu cơ quan lập pháp này phải xem xét kỹ lưỡng EDCA trước khi đưa vào thực thi.
Thượng nghị sĩ Miriam Santiago, tác giả chính của nghị quyết đó cho biết: “Trong nghị quyết này, chúng tôi cho rằng, chúng tôi sẽ không làm tổn hại tới quyền lực của Thượng viện”. Dự kiến nghị quyết sẽ được trình lên Thượng viện vào cuối tháng 7 khi các thượng nghị sĩ nhóm họp sau một thời gian nghỉ họp định kỳ.
Mặc dù nghị quyết của Thượng viện không phải là yếu tố pháp lý ràng buộc Tổng thống Philippines Benigno Aquino, nhưng vẫn gây áp lực, buộc ông phải cho phép các thượng nghị sĩ thảo luận về Hiệp ước. Mà như thế, thỏa thuận này sẽ tiếp tục bị trì hoãn lâu hơn.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Philippiness nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra vào tháng 5-2016, giới chính trị gia nước này đang dồn quan tâm vào việc ai sẽ ra tranh cử tổng thống khi ông Aquino mãn nhiệm, rất có thể các nhà lập pháp sẽ tạm thời để sang bên một số công việc của Quốc hội. Hiến pháp Philippines quy định tổng thống chỉ được làm một nhiệm kỳ duy nhất, kéo dài 6 năm.
Song, chuyên gia chính trị Ramon Casiple cho rằng, ông Aquino đang ngày càng mất đi tầm ảnh hưởng với Quốc hội.
Cũng theo một số chuyên gia, Hiệp ước hợp tác quân sự Mỹ - Philippines tiếp tục bị trì hoãn có thể khiến Washington ngạc nhiên. Bởi lẽ, Manila luôn có những phản ứng mạnh miệng nhất trước các tuyên bố chủ quyền vô lối gần đây của Bắc Kinh trên Biển Đông. Nước này cũng đã thúc giục Mỹ kiên quyết hơn trong phản ứng trước tiến độ bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ngày càng nhanh trên Biển Đông.
Thượng viện Philippines từng thông qua các hiệp ước quốc phòng khác, kể cả hiệp định an ninh kéo dài hàng thập niên với Mỹ. Ông Aquino nói rằng, EDCA chỉ cần đạt được sự chấp thuận về quy trình thực thi vì nó là phần bổ sung thêm vào những thỏa thuận an ninh đã có.
Thực tế, quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines rất phát triển. Các quan chức quân đội Philippines cho biết, trong những năm qua, theo chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á của chính quyền Tổng thống Obama, quân đội Mỹ đã gia tăng đáng kể các hoạt động huấn luyện, tập trận và đưa nhiều tàu, máy bay tới Philippines. Tuy nhiên, EDCA sẽ đưa mối quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Philippines tiến xa thêm một bước nữa.
Một phần trong đó là cho phép quân đội Mỹ mở rộng diện tiếp cận vào lãnh thổ Philippines, chẳng hạn việc Washington muốn sử dụng các căn cứ quân sự Philippines tại 8 địa điểm khác nhau để hoán đổi binh sĩ, tàu chiến và máy bay. Một trong những căn cứ đó nằm trên đảo Palawan, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km. Đây là nơi Trung Quốc đã xây dựng 7 tiền đồn để triển khai lực lượng vào khu vực vùng biển trung tâm của Đông Nam Á.
Thỏa thuận hợp tác cũng cho phép quân đội Mỹ xây dựng các công trình hạ tầng như các khu doanh trại quân đội, nhà kho hậu cần, kho chứa nhiên liệu phục vụ quân đội…
Khó trì hoãn thêm
Tuy nhiên, các chuyên gia chính trị Philippines cho rằng, nghị quyết của Thượng viện về EDCA sẽ không thể bị phớt lờ tại tòa án tối cao. Dù rằng tòa án hoạt động độc lập, nhưng hẳn nhiên họ sẽ phải để tâm tới những luồng gió chính trị hiện thời và không thể không quan ngại động thái phô trương thanh thế gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngay cả khi tòa án tối cao ra phán quyết EDCA phù hợp với Hiến pháp Philippines, thỏa thuận hợp tác giữa Mỹ và Philippines có thể vẫn cần sự chấp thuận của Thượng viện.
Phát ngôn viên Tòa án tối cao Theodore Te khẳng định, nghị quyết sẽ không gây ảnh hưởng tới quyết định của tòa án. Dù vậy, ông này cũng nói việc Thượng viện xem xét bản hiệp ước đã luôn được đưa ra trong những phiên tranh cãi nảy lửa tại tòa án.
Chuyên gia Đông Nam Á học tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại Washington Ernest Bower cho rằng, việc có thêm bất cứ sự trì hoãn nào khác nữa trong các phán quyết của tòa sẽ khiến Bắc Kinh có thể hiểu Manila vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về việc hợp tác quốc phòng với Mỹ. “Nếu Tòa án tối cao Philippines không hành động khẩn trương về EDCA và bản hiệp ước vẫn chưa thể thực thi trước chuyến thăm nước này của ông Obama vào cuối năm, Nhà Trắng sẽ đặt câu hỏi liệu rằng chính phủ Philippines có thực sự nghiêm túc trong việc triển khai hiệp định hợp tác quốc phòng giữa họ với Mỹ”, ông Bower nói.
TRẦN ĐẮC LUÂN