Trao đổi với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng, Washington không còn do thám các nhà lãnh đạo châu Âu nữa. Ông Obama cũng gọi việc do thám là “không thể chấp nhận được”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Ngoại trưởng Laurent Fabius tại cuộc họp khẩn sau khi WikiLeaks tiết lộ tài liệu. Ảnh: AP |
Việc trang mạng WikiLeaks tiết lộ Chính phủ Mỹ đã do thám 3 đời Tổng thống Pháp, gồm hai cựu Tổng thống Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và đương kim Tổng thống Francois Hollande, ít nhất trong khoảng thời gian từ năm 2006-2012, được cho có thể làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa Paris và Washington. Thậm chí, ông Claude Gueant, cựu Bộ trưởng Nội vụ thời Tổng thống Nicolas Sarkozy bày tỏ: “Tôi cảm thấy như niềm tin đổ vỡ”.
Song, Tổng thống Barack Obama ngay lập tức xoa dịu căng thẳng bằng việc khẳng định Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã ngừng hẳn việc lén theo dõi các nhà lãnh đạo châu Âu.
“Tổng thống Obama đã tái khẳng định cam kết vững chắc rằng sẽ chấm dứt các hành động đã diễn ra trong quá khứ, vốn không thể chấp nhận được giữa các đồng minh”, tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Pháp nêu rõ.
Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh Washington không nhằm vào Tổng thống Hollande. “Chúng tôi sẽ không nhằm vào những người bạn như Tổng thống Hollande”, ông Kerry nói.
Theo nhà ngoại giao này, Mỹ không thực hiện bất kỳ hoạt động tình báo nào ở nước ngoài “nếu không có một số mục đích an ninh quốc gia cụ thể và được xác nhận”.
Ngoại trưởng Kerry cũng nói với báo giới rằng, ông có “mối quan hệ tuyệt vời” với người đồng cấp Pháp Laurent Fabius và Paris là đối tác không thể thiếu của Washington trong nhiều vấn đề, trong đó có các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.
Trong khi đó, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange kêu gọi “hành động pháp lý” đối với sự lén lút của Mỹ và cam kết sẽ tiết lộ thêm thông tin. Phát biểu trên Đài truyền hình TF1 của Pháp, ông Assange thúc giục Điện Elysée hành động mạnh mẽ hơn Đức, cụ thể là Quốc hội Pháp cần mở cuộc điều tra về hành vi do thám của NSA và đưa vụ việc lên cơ quan công tố để truy tố những người thực hiện việc do thám.
Các công tố viên của Đức từng điều tra về việc NSA nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel nhưng sau đó khép lại cuộc điều tra kéo dài 1 năm vì thiếu chứng cứ vững chắc.
Ông Assange cho rằng, vấn đề đối với Tổng thống Hollande và chính phủ Pháp là họ phải phản ứng như thế nào. Người sáng lập WikiLeaks cũng cho biết, thời gian đến, trang này sẽ công bố thêm nhiều tài liệu quan trọng.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn chính phủ Pháp Stephane Le Foll, Paris chưa quyết định về tiến trình pháp lý nào như Đức từng làm, do không muốn phá vỡ quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Pháp sẽ cử điều phối viên tình báo quốc gia Didier Le Bret đến Mỹ để thảo luận về thông tin do WikiLeaks công bố nhằm bảo đảm hoạt động do thám nhằm vào nhau sẽ diễn ra nữa.
Trong một tuyên bố ngày 25-6, đại sứ Mỹ tại Pháp Jane Hartley tái khẳng định cam kết của Washington rằng sẽ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực tình báo và an ninh.
Tiết lộ của WikiLeaks diễn ra đồng thời với việc Quốc hội Pháp thông qua luật do thám mới gây tranh cãi, theo đó trao thẩm quyền sâu rộng cho các cơ quan chức năng để do thám công dân nước này liên quan đến các chiến binh thánh chiến nước ngoài. Song, chính phủ do Đảng Xã hội nắm quyền bị chỉ trích rằng, cơ quan mật vụ muốn có quyền hạn theo kiểu NSA và Pháp đang tiến một bước gần hơn tới việc trở thành “một nhà nước do thám”.
PHÚC NGUYÊN