.
20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Chuyến thăm mang tính bước ngoặt

.

* Giao lưu và triển lãm ảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa bước ngoặt đối với quan hệ song phương, trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 7-7 được xem là “cột mốc lịch sử”.              Ảnh: TTXVN
Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 7-7 được xem là “cột mốc lịch sử”. Ảnh: TTXVN

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 6-7 đến 11-7 và cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 7-7 được nhìn nhận là “cột mốc lịch sử”, là “nấc thang cao hơn” trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện được thiết lập giữa hai nước vào năm 2013.

Cuộc gặp gỡ lịch sử

Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama đã diễn ra trong không khí hữu nghị, thẳng thắn, thực chất và cởi mở. Hai bên ra Tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ ghi nhận những phát triển tích cực, thực chất trên nhiều lĩnh vực hợp tác trong 20 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là sự phát triển trong hợp tác kinh tế, thương mại; hợp tác trong việc xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh cũng như trong khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quốc phòng - an ninh, quyền con người; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế…

Hai nước khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ sâu sắc, bền vững, thực chất, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), luật pháp quốc tế, thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Hai bên cam kết thúc đẩy tối đa lợi ích chung, hợp tác ở cấp độ song phương và đa phương, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Việc tăng cường quan hệ chính trị và ngoại giao, tăng cường trao đổi cấp cao, mở rộng tham vấn song phương nhằm tiếp tục xây dựng lòng tin, gia tăng hợp tác vẫn là ưu tiên đối với cả Việt Nam và Hoa Kỳ; tương tự việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, làm sâu sắc hợp tác trong khoa học và công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường, thực thi luật pháp.

Hai nước nhấn mạnh cam kết phối hợp trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc xử lý mối đe dọa an ninh phi truyền thống, hợp tác an ninh hàng hải, nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, thương mại quốc phòng và chia sẻ thông tin, tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, trao đổi công nghệ quốc phòng. Hai nước hoan nghênh những nỗ lực chung nhằm xử lý các vấn đề hậu quả chiến tranh, bao gồm nhiệm vụ nhân đạo tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, rà phá vật liệu chưa nổ, tẩy rửa chất độc dioxin và hỗ trợ hơn nữa đối với các nỗ lực nhân đạo này, v.v…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong lịch sử quan hệ hai nước cũng có những chương buồn, nhưng với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, hai nước đã xây dựng được quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện như hiện nay. “Tôi cũng vừa nói với ngài Tổng thống rằng quá khứ không ai có thể thay đổi được nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta”, Tổng Bí thư nói.

Một trong những thông điệp lớn nhất trong cuộc gặp là việc thúc đẩy hơn nữa niềm tin chiến lược giữa hai nước. Đó là mốc đánh dấu sự thừa nhận của Hoa Kỳ đối với hệ thống chính trị của Việt Nam sau 20 năm bình thường hóa quan hệ. Trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken đã ca ngợi Hoa Kỳ và Việt Nam “mở một chương mới trong lịch sử”.

“Khi chúng ta chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta gửi thông điệp mạnh mẽ đến thế giới: các cựu thù của nhau vẫn có thể trở thành bạn, gây dựng hòa bình và giờ đây chúng ta xây dựng mối quan hệ đối tác sẽ thúc đẩy ổn định và thịnh vượng”, ông Antony Blinken viết.

Trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cuộc gặp gỡ như: chuyện trò thân mật và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đông đảo đại diện cộng đồng người Việt, lưu học sinh tại Hoa Kỳ; gặp ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Hoa Kỳ và bạn bè cánh tả Hoa Kỳ; thăm gia đình cựu Tổng thống Bill Clinton tại New York; gặp gỡ nhóm trí thức Đại học Harvard - trường đại học đã và đang tích cực phối hợp với Việt Nam trong chương trình giảng dạy Fulbright về kinh tế tại thành phố Hồ Chí Minh, v.v…

“Khi tin là có thể thì bạn đã đạt được một nửa thành công”

Một trong những điểm nhấn của chuyến thăm là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, DC vào chiều 8-7 (sáng 9-7, giờ Việt Nam), với thông điệp là mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.

Nhắc đến một câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt: “Khi tin là có thể thì bạn đã đạt được một nửa thành công”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, hai bên có thể cùng nhau xây dựng một tầm nhìn tươi sáng cho quan hệ hai nước, để hai dân tộc, các thế hệ con cháu luôn là bạn và đối tác tốt của nhau.

Tổng Bí thư chỉ rõ những bài học kinh nghiệm của lịch sử và những kết quả thực tế trong 20 năm qua cho thấy, hữu nghị và hợp tác là hướng đi duy nhất đúng của quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ, có lợi cho hai nước, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, của khu vực và thế giới. Những khác biệt giữa hai nước là thực tế khách quan và là tất yếu trong một thế giới đa dạng; trong đó các dân tộc có quyền tìm kiếm, lựa chọn con đường phát triển của riêng mình.

Bên cạnh đó, cuộc gặp giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon vào sáng 10-7 (tối cùng ngày, giờ Việt Nam) nhân dịp 70 năm hình thành, phát triển của LHQ cũng được xem là một dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam và LHQ.

Quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và LHQ đã trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, từ những ngày đầu viện trợ nhân đạo, phục hồi và tái thiết, cải cách toàn diện đến quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn ủng hộ và chung tay với LHQ vì một thế giới hòa bình, phát triển bền vững cho tất cả mọi người.

Tổng Bí thư đánh giá cao các sáng kiến và trọng tâm lớn mà LHQ đang thúc đẩy. Việt Nam ủng hộ và tích cực tham gia vào các nỗ lực chung đánh giá 25 năm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; xây dựng và hoàn thiện các chương trình, mục tiêu của LHQ. Tổng Bí thư mong muốn LHQ và cá nhân Tổng Thư ký Ban Ki-moon tiếp tục hỗ trợ để Việt Nam duy trì được những thành quả thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và thực hiện tốt các chương trình, mục tiêu khác của LHQ.

"Tôi cũng vừa nói với ngài Tổng thống rằng quá khứ không ai có thể thay đổi được nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta"

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

"Chúng tôi muốn cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chuyến thăm này. Tôi hy vọng ông đã thấy sự nồng ấm và mến khách mà người Mỹ đối với người Việt Nam. Tôi mong chờ đến thăm đất nước tươi đẹp của các bạn một dịp nào đó trong tương lai"

Tổng thống Barack Obama

VĨNH AN tổng hợp

* Chiều 12-7, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội Hữu nghị Việt-Mỹ thành phố tổ chức buổi giao lưu nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ. Đến dự có ông Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ; đại diện Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh…

Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Mỹ thành phố Lâm Quang Minh phát biểu khẳng định thành phố Đà Nẵng có nhiều nỗ lực góp phần vào củng cố, phát triển quan hệ Việt-Mỹ trên cả kênh đối ngoại chính thức và đối ngoại nhân dân.

Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ với các thành phố của Mỹ: Oakland, Pittsburgh, Houston. Hiện Mỹ là một trong 5 quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất tại Đà Nẵng với 330 triệu USD trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, viễn thông, phát triển phần mềm, dịch vụ đào tạo, công nghệ xanh. Kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng sang Mỹ đạt 220 triệu USD, nhập khẩu đạt 16 triệu USD vào năm 2014.

Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, các trường đại học trên địa bàn thành phố đều có mối quan hệ hợp tác với các đại học hàng đầu của Mỹ để thực hiện chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên. Đà Nẵng có quan hệ với 68 tổ chức phi chính phủ Mỹ trong hoạt động viện trợ nhân đạo, viện trợ phát triển. Sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ không chỉ viện trợ vật chất mà còn chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ góp phần nâng cao dân trí, chăm sóc y tế, giáo dục, hỗ trợ người khuyết tật của thành phố.

Phát biểu của đại diện Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng cùng chung quan điểm: Quan hệ Việt-Mỹ đã và đang phát triển theo nhận thức chung là gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, ủng hộ tương đồng, hướng tới tương lai vì lợi ích của hai dân tộc.

Tại buổi giao lưu, Hội Hữu nghị Việt-Mỹ thành phố đã công bố và trao giải thưởng cho 10 học sinh, sinh viên đoạt giải cuộc thi tìm hiểu 20 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ qua mạng Internet. Dịp này, Hội Hữu nghị Việt-Mỹ thành phố tổ chức triển lãm ảnh về quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ tại số 48 Nguyễn Du.

S.TRUNG

;
.
.
.
.
.