Tờ Le Monde của Pháp đã có bài phân tích về ý nghĩa bước ngoặt của chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ báo giới (Ảnh Reuters) |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đón tiếp chân tình và nồng hậu tại Washington đã chứng minh tầm quan trọng của Việt Nam với Mỹ.
Sau cuộc hội đàm song phương, Tổng thống Obama nhận xét mặc dù đã có một “quá khứ đau buồn” thì giờ đây hai bên đã thiết lập mối quan hệ mang tính xây dựng trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.
Cả hai cũng tuyên bố đã có những trao đổi thẳng thắn về vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong các cuộc trao đổi của chuyến thăm lần này.
Mỹ tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam
Báo chí dẫn lời giám đốc Học viện Nghiên cứu Chiến lược của Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn nhận xét “chuyến thăm cho thấy Mỹ chấp nhận và tôn trọng những lựa chọn chính sách và hệ thống chính trị của Việt Nam”.
Chuyến thăm mang tính “lịch sử” tại Nhà Trắng cũng thể hiện “độ chín trong quan hệ Mỹ - Việt”, sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Chỉ trong vòng 15 năm trở lại đây, thương mại hai chiều đã nhảy vọt từ 850 triệu USD lên tới 35 tỷ USD.
Tái cân bằng
Ông Hoàng Anh Tuấn giải thích “nếu quay ngược lại thời gian thì sẽ nhận thấy kể từ giữa thế kỷ XIX, cùng với việc Pháp vào Việt Nam, ảnh hưởng Trung Hoa tại đây ngày càng giảm”. Ông cũng nhận xét, chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ mong muốn về một chính sách đối ngoại thực sự độc lập.
Còn ông Jonathan London, Giáo sư Khoa Nghiên cứu châu Á, Đại học Thành phố Hong Kong thì nhận định việc người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo tư tưởng của Đảng, thăm Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam đang thực hiện một chiến lược tái cân bằng tại khu vực.
Về quân sự, việc phía Mỹ cho biết sẽ gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận buôn bán vũ khí quân sự với Việt Nam vào tháng 10 tới được coi là một động thái quan trọng. Việt Nam, từ trước đến nay vẫn yêu cầu gỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận. Hải quân Việt Nam sẽ được mua các trang bị vũ khí cho tàu của mình, tuy nhiên lệnh cấm vận buôn bán các vũ khí sát thương vẫn có hiệu lực.
Về Hiệp định xuyên Thái Bình Dương - TPP, đây là một trong những chủ đề quan trọng trong thảo luận song phương. Việt Nam và Mỹ đều mong muốn sớm ký kết hiệp ước đa phương bao gồm 12 nước khu vực Thái Bình Dương mà không có Trung Quốc.
Ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ “hiệp định TPP là hiệp ước rất quan trọng với chúng tôi vì nó được coi như một “tiêu chuẩn” cho các thỏa thuận thương mại. Hơn thế nữa, TPP không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn cả chiến lược”.
Le Monde dẫn lời một chuyên gia khác khẳng định “TPP sẽ là một bước tiến quan trọng nữa” giúp Việt Nam ngày càng củng cố sự độc lập của mình.
Theo VOV