Quốc tế
Một năm sau thảm kịch MH17: Đi tìm công lý
Cuộc điều tra về vụ máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi ở đông Ukraine vào ngày 17-7-2014 vẫn tiếp diễn khi 5 nước (Hà Lan, Bỉ, Ukraine, Úc và Malaysia) kêu gọi tòa án hình sự quốc tế xem xét vụ việc.
Gia đình của Nur Shazana, một thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, đau buồn tại lễ tang ở Putrajaya, Malaysia, ngày 22-8-2014. Ảnh: AP |
Thảm kịch thu hút sự chú ý của quốc tế và đến nay các gia đình nạn nhân vẫn quyết tìm kiếm công lý. Tròn 1 năm sau thảm kịch MH17, họ tham gia các buổi tưởng niệm với lời kêu gọi tòa án quốc tế truy tố những ai đứng sau vụ việc đã làm 298 phi hành đoàn và hành khách, hầu hết là người Hà Lan, có mặt trên chuyến bay định mệnh từ Amsterdam đi Kuala Lumpur thiệt mạng.
Chiếc MH17 bị bắn rơi trong lúc diễn ra cuộc giao tranh giữa quân chính phủ Kiev với lực lượng ly khai thân Nga. Kiev và phương Tây chỉ trích lực lượng ly khai, nói rằng họ đã dùng tên lửa đất đối không BUK do Nga cung cấp để bắn hạ máy bay. Tuy nhiên, Mátxcơva không những bác bỏ mọi sự liên quan mà còn cáo buộc quân đội Ukraine đứng sau vụ việc này.
Với thân nhân của các nạn nhân, một năm trôi qua thật nặng nề. “Chúng tôi không thể làm được điều gì, chúng tôi không thể cho thời gian quay lại”, có mặt tại lễ tưởng niệm ở Nieuwegein (Hà Lan), Evert van Zijtvelt, người mất con trai Robert-Jan (18 tuổi) và con gái Frederique (19 tuổi) nói. Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cam kết công lý sẽ được thực thi. Tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Úc Tony Abbott cũng tham dự lễ tưởng niệm 38 công dân nước này.
Có nhiều công dân thiệt mạng nhất, Hà Lan đang dẫn đầu việc tìm kiếm thi thể nạn nhân, điều tra vụ MH17 cũng như truy tìm và trừng phạt thủ phạm. Vào tuần đầu tiên của tháng 10 tới, Ủy ban An toàn Hà Lan dự kiến công bố báo cáo cuối cùng về nguyên nhân máy bay rơi nhưng nhấn mạnh rằng, cơ quan này chỉ đề cập nguyên nhân chứ không nhắc đến thủ phạm.
Năm ngoái, Ủy ban An toàn Hà Lan công bố báo cáo sơ bộ rằng, chiếc máy bay bị vỡ ra từng mảnh trên bầu trời Ukraine do bị các vật thể năng lượng cao đâm thủng từ bên ngoài. Báo cáo không đổ lỗi hay quy trách nhiệm pháp lý cho bên ngoài.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) cũng đã thông qua Nghị quyết 2166 do Úc bảo trợ, lên án vụ bắn rơi máy bay MH17, yêu cầu ngừng toàn bộ hoạt động quân sự và kêu gọi tiến hành điều tra đầy đủ. Anh, Pháp, Malaysia, Hà Lan và các nước khác ủng hộ tòa án quốc tế, nhưng Nga - nước nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ lại phản đối.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, việc thành lập tòa án quốc tế là quá sớm và không mang lại lợi ích gì. Ông kêu gọi các nước không nên đưa ra những giả thuyết khác nhau và chỉ nên thành lập tòa án sau khi kết thúc cuộc điều tra khách quan theo đúng Nghị quyết 2166.
Cuối tuần qua, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ sự cảm thông với thân nhân của các nạn nhân. “Trong khi nỗi đau do thảm kịch này gây ra không thể xóa sạch, các nạn nhân phải được tưởng nhớ bằng nỗ lực tìm ra sự thật”, người phát ngôn của ông Ban Ki-moon nói.
Tổng công tố Hà Lan Wim de Brun đang cân nhắc 2 kịch bản dẫn tới vụ MH17. Theo đó, máy bay trên bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không hoặc bằng tên lửa không đối không. Song, đây vẫn chỉ là giả thuyết.
Tuy chưa được công bố nhưng báo cáo chính thức của Hà Lan về MH17 đã kết luận rằng, chính lực lượng ly khai ở đông Ukraine đã bắn hạ máy bay. Cơ quan điều tra Hà Lan cho rằng, vũ khí khiến máy bay rơi là một quả tên lửa BUK, bắn đi từ một ngôi làng trong vùng lãnh thổ do lực lượng ly khai kiểm soát. Sau đó, chiếc MH17 đã rơi xuống khu vực Donetsk của Ukraine.
Về phía Nga, Ủy ban điều tra Nga thông báo đã có được dữ liệu cho thấy chiếc máy bay MH17 có thể đã bị một tên lửa không đối không sản xuất ngoài lãnh thổ Nga bắn trúng.
Dù sao thì vẫn phải chờ đến tháng 10 khi báo cáo của các nhà điều tra, do Hà Lan dẫn đầu, chính thức được công khai. Tuy nhiên, với gia đình các nạn nhân, khi công lý chưa được thực thi thì mỗi ngày trôi qua với họ là những nỗi đau khôn nguôi.
BÌNH YÊN