.

Châu Âu muốn Hy Lạp nói "có"

.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker muốn Hy Lạp đồng ý với đề xuất thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà các chủ nợ đề ra và nói “có” tại cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong cuộc đàm phán tại Brussels (Bỉ) ngày 24-6 vừa qua.  			    Ảnh: AFP
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trong cuộc đàm phán tại Brussels (Bỉ) ngày 24-6 vừa qua. Ảnh: AFP

Ông Jean-Claude Juncker gọi kế hoạch của mình là giải pháp “phút cuối cùng” cho Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, tức Athens phải đạt được thỏa thuận về nợ công trước khi tổ chức trưng cầu dân ý. Ngày 30-6 cũng là thời điểm Hy Lạp phải thanh toán 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ USD) cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Athens hết hạn. Hy Lạp đang đối mặt với việc vỡ nợ. Ông Tsipras cũng đã khẳng định không thể trả được số nợ này.

Hãng AFP cho biết, giải pháp “phút cuối cùng” của Chủ tịch EC Juncker đưa ra bao gồm: Hy Lạp chấp nhận các đề xuất cải cách của chủ nợ và nói “có” trong cuộc trưng cầu dân ý. Ông Juncker cảnh báo: Nếu câu trả lời là “không” thì Hy Lạp cũng nói “không” với châu Âu.

Theo đó, Thủ tướng Tsipras sẽ gửi thư cho ông Juncker, Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính của 19 nước khối euro (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande, trong đó nêu rõ ông chấp nhận đề xuất của Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Ông Dijsselbloem, bà Merkel và ông Hollande là những nhân vật chủ chốt trong 5 tháng đàm phán về nợ công của Hy Lạp. Theo AFP, nếu ông Tsipras chấp nhận thỏa thuận thì các chủ nợ sẽ “mở đường” cho một cuộc họp khác của Eurogroup để thống nhất thỏa thuận.

Tối 29-6, hàng ngàn người đã xuống đường ở hai thành phố lớn nhất là Athens và Thessaloniki để ủng hộ việc chính phủ Hy Lạp phản đối đề xuất của chủ nợ. Người dân nước này đổ lỗi chính các chủ nợ đã đẩy Athens vào những năm suy thoái do chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Những dòng chữ trên các banner trong các cuộc tuần hành ở Athens viết: “Cuộc sống của chúng tôi không phụ thuộc chủ nợ”.

Từ ngày 1-7 đến cuối tuần này, Hy Lạp sẽ mở lại 1.000 chi nhánh ngân hàng để phục vụ những người hưởng tiền trợ cấp không sử dụng thẻ rút tiền tại các máy rút tiền tự động (ATM). Song, các ngân hàng vẫn đóng cửa để kiểm soát vốn, ngăn chặn nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, Thủ tướng Tsipras vẫn kêu gọi người dân nói “không” với đề xuất của châu Âu và tuyên bố sẽ từ chức nếu kết quả ngược lại, mặc dù ông nói rằng không muốn Hy Lạp rời eurozone. Nhà lãnh đạo cánh tả này nhấn mạnh việc bác bỏ đề xuất sẽ giúp người dân nước ông có “thêm vũ khí mạnh mẽ hơn” để ngồi vào bàn đàm phán.

Về phía châu Âu, ông Dijsselbloem khẳng định vẫn có thể đàm phán thêm. Còn bà Merkel vẫn kiên quyết rằng, bất kỳ cuộc đàm phán mới nào với Hy Lạp cũng nên diễn ra sau cuộc trưng cầu dân ý. Tuy nhiên, ông Tsipras không sẵn sàng trở lại bàn nghị sự khi cuộc bỏ phiếu.

Theo AFP, ngày 30-6, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói rằng, nếu người dân Hy Lạp nói “có” thì các chủ nợ sẽ đàm phán với một chính phủ mới của Athens, thay vì chính phủ của ông Tsipras. Thủ tướng Rajoy là nhà lãnh đạo đầu tiên của châu Âu lên tiếng ủng hộ việc thay đổi chính phủ cánh tả Tsipras. “Nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra và nếu ông Tsipras thất bại thì sẽ tốt cho Hy Lạp bởi người dân Hy Lạp sẽ nói “có”, chúng tôi muốn ở lại khối euro và chúng tôi có thể đàm phán với một chính phủ khác”, ông Rajoy nói. Trong trường hợp kết quả là “không”, ông Rajoy khẳng định: “Hy Lạp không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc rời eurozone”.

Phản ứng lại, Bộ trưởng Lao động Hy Lạp Panos Skourletis gay gắt cho rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu muốn “đánh đắm” đảng Syriza đang nắm quyền ở Athens nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của các đảng cánh tả khác chống chính sách “thắt lưng buộc bụng”, như trường hợp đảng Podemos ở Tây Ban Nha. Theo ông Skourletis, châu Âu muốn đảng Syriza không thể là hình mẫu cho các quốc gia khác trong tình huống tương tự. “Hôm nay, họ can thiệp vào công việc nội bộ của Hy Lạp, ngày mai họ sẽ làm như thế ở Tây Ban Nha và Ý”, ông Skourletis nhấn mạnh.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.