Gói cải cách cùng khổ đã được Quốc hội Hy Lạp thông qua. Song, đối với Thủ tướng Alexis Tsipras, đây là chiến thắng cay đắng bởi Athens đang chia rẽ sâu sắc, còn người dân cho rằng họ bị phản bội.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng, ông buộc phải chấp nhận thỏa thuận. Ảnh: AP |
Với 229 phiếu thuận, 64 phiếu chống và 6 phiếu trắng, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” ngặt nghèo, bao gồm việc tăng thuế, cải cách lương hưu, v.v... Gói cải cách cùng khổ này được thông qua nhờ sự ủng hộ của phe đối lập thân châu Âu, đánh dấu sự bất đồng sâu sắc trong nội bộ đảng Syriza cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras.
Hãng AP cho biết, có 38/149 nghị sĩ trong đảng Syriza phản đối ông Tsipras bằng việc bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng; trong đó có Bộ trưởng Năng lượng quyền lực Panagiotis Lafazanis, Chủ tịch Quốc hội Zoe Constantopoulou và cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis, người đã đi đầu trong chiến lược cứu trợ cho đến khi ông từ chức cách đây hơn 10 ngày.
Chính phủ Hy Lạp mô tả cuộc bỏ phiếu đánh dấu “sự chia rẽ nghiêm trọng” trong các nghị sĩ cầm quyền và khẳng định rằng, những người chống đối trong nội các sẽ bị thay thế. Tại cuộc bỏ phiếu, hai bộ trưởng đã bước ra khỏi phòng họp và nộp đơn từ chức.
Thủ tướng Tsipras nói rằng, ông có ít sự lựa chọn và phải chấp nhận đề xuất cải cách ngặt nghèo của các chủ nợ để nhận gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro. “Chúng tôi có sự lựa chọn rất đặc biệt: hoặc một thỏa thuận mà đa số chúng ta phản đối, hoặc sự hỗn loạn”, ông Tsipras phát biểu tại Quốc hội trước giờ bỏ phiếu.
Chính nhà lãnh đạo này cũng cho rằng, các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà các chủ nợ đưa ra là khắc nghiệt, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế Hy Lạp nhưng ông buộc phải chấp nhận. Theo Reuters, Thủ tướng Tsipras sẽ cải tổ nội các để sa thải những nhân vật cánh tả bất đồng chính kiến nhưng ông loại bỏ việc tiến hành bầu cử sớm và nói rằng “người thuyền trưởng không đẩy con thuyền vào bão”. Vì vậy, các nhà quan sát gọi đây là chiến thắng cay đắng của ông Tsipras.
Trong khi đó, tân Bộ trưởng Tài chính Euclid Tsakalotos cho biết, việc ông ủng hộ gói cải cách sẽ là gánh nặng suốt cuộc đời. “Tôi chỉ biết rằng, chúng tôi đã làm điều đó vì không còn sự lựa chọn nào khác”, ông bày tỏ.
Trước giờ bỏ phiếu, khoảng 12.000 người biểu tình tập tình trung bên ngoài trụ sở Quốc hội. Nhiều người cho rằng, họ bị phản bội, bởi khi ông Tsipras đảm nhận cương vị Thủ tướng đã cam kết chấm dứt chính sách “thắt lưng buộc bụng” và cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5-7 vừa qua cũng đã nói “không” với yêu sách của châu Âu. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất chống lại chính phủ kể từ khi ông Tsipras nắm quyền hồi đầu năm nay. Cuộc tuần hành đã chuyển sang bạo lực với việc hàng trăm thanh niên tấn công cảnh sát, đốt ô-tô, v.v…
Thỏa thuận cứu trợ dành cho Hy Lạp vẫn cần được các nước trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) thông qua. Ngày 16-7, các bộ trường tài chính của khối này (Eurogroup) nhóm họp và bàn thảo các bước đi tiếp theo trong việc đàm phán về gói cứu trợ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng họp bàn giải pháp hỗ trợ các ngân hàng Hy Lạp không sụp đổ. Hôm nay (17-7), Quốc hội Đức sẽ bỏ phiếu về thỏa thuận và sự chú ý dồn vào phiên họp này bởi Berlin là chủ nợ lớn nhất của Athens.
PHÚC NGUYÊN