Hy Lạp đối mặt với một cơ hội cuối để ở lại khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) khi Thủ tướng Alexis Tsipras phải đưa ra các đề xuất mới thuyết phục các chủ nợ tiếp tục rót tiền cứu Athens.
Người dân chờ đợi trước một ngân hàng ở thành phố Thessaloniki (Hy Lạp) để được rút tiền. Ảnh: AFP |
Ngày 7-7, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đến Brussels (Bỉ) để tham dự cuộc họp khẩn cấp của các nhà lãnh đạo eurozone. Ông dùng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý (61,3% số cử tri nói “không” với đề xuất cải cách) để đàm phán, thay vì nhượng bộ các chủ nợ, về gói giải cứu cho đất nước đang chìm trong khủng hoảng tài chính.
Theo đó, ông phải thuyết phục 18 nhà lãnh đạo còn lại rằng cần đàm phán nhanh chóng về gói cho vay mới, nhưng nhiều người có mặt tại cuộc họp ở Brussels đã quá chán ngán sau 5 năm khủng hoảng ở Hy Lạp.
Theo các nhà phân tích, Thủ tướng Tsipras có thể sẽ chấp nhận nhiều yêu cầu từ các chủ nợ, bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Trong một động thái nhượng bộ, Thủ tướng Tsipras bổ nhiệm ông Euclid Tsakalotos - nhà kinh tế học 55 tuổi - làm Bộ trưởng Tài chính, thay thế ông Yanis Varoufakis, người đã làm mích lòng châu Âu. Tân Bộ trưởng Tài chính Varoufakis thừa nhận ông căng thẳng và lo lắng về cuộc khủng hoảng, nhưng bày tỏ tin tưởng Hy Lạp sẽ có một thỏa thuận tốt.
Quả bóng đang ở sân Hy Lạp
Hãng AP cho biết, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hy vọng sẽ có “một giải pháp mềm”. “Những gì mà chúng ta đang làm hôm này là đối thoại với nhau, hiểu lẫn nhau, thể hiện sự khoan dung và khôi phục trật tự”, ông Juncker nói. Phát biểu tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp) ngày 7-7, ông Juncker khẳng định không muốn Hy Lạp rời eurozone và sẽ nỗ lực để tránh kịch bản này.
“Có một số nước trong EU đang công khai hoặc bí mật loại Hy Lạp ra khỏi eurozone”, ông Juncker cảnh báo. Song, theo Reuters, người đứng đầu EC không đề cập Đức hay Bộ trưởng Tài chính của nước này, ông Wolfgang Schaeuble. Chính ông Schaeuble đã đề nghị rằng, eurozone có lẽ tốt hơn khi không có Hy Lạp.
Ngoài ra, ông Juncker cũng chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Tsipras và cho rằng, nhà lãnh đạo cánh tả này đã sai lầm nghiêm trọng khi rời khỏi bàn đàm phán trước đó. “Quả bóng đang ở trong sân của chính phủ Hy Lạp”, Chủ tịch EC nói.
Trong lúc đó, các ngân hàng ở Hy Lạp vẫn đóng cửa trong ngày 7-7 và 8-7. Thời điểm sớm nhất để mở cửa trở lại là ngày 9-7. ECB đang siết chặt các quy định đối với hệ thống ngân hàng hiện thiếu tiền mặt nghiêm trọng ở Athens. Khoảng 2 tuần nữa, Athens sẽ phải thanh toán khoản nợ trái phiếu trị giá 3,5 tỷ euro cho ECB.
Cánh cửa đàm phán vẫn mở
Theo các nhà lãnh đạo Đức và Pháp, cánh cửa đàm phán vẫn mở cho một thỏa thuận để cứu Hy Lạp - đất nước có 11 triệu dân, chỉ chiếm 2% sản lượng kinh tế và dân số của eurozone. “Cửa đàm phán đang mở cho các cuộc thảo luận”, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel muốn người đứng đầu chính phủ Hy Lạp đưa ra các đề xuất thuyết phục sau khi Athens đã từ chối tăng thuế, giảm chi tiêu và lương hưu cũng như thực hiện các cải cách về lao động.
Đức và Pháp là đầu tàu dẫn dắt châu Âu tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hậu trưng cầu dân ý ở Hy Lạp. 18 nước thuộc eurozone đang chia hai quan điểm: Đức, Phần Lan, Slovakia và các nước vùng Baltic giữ quan điểm cứng rắn hơn; trong khi Pháp, Ý và Tây Ban Nha chủ trương hòa giải để giữ Hy Lạp ở lại khối.
Nếu các ngân hàng ở Hy Lạp cạn tiền và nước này phải tự in tiền tệ, Athens sẽ là quốc gia đầu tiên rời eurozone kể từ khi khối này được thành lập vào năm 1999. Đáng lo ngại là điều này có thể tạo ra tiền lệ và làm gia tăng hoài nghi về khả năng tồn tại lâu dài của một liên minh tiền tệ châu Âu. “Ngay cả khi khủng hoảng Hy Lạp không gây hiệu ứng domino ngắn hạn thì sự toàn vẹn của eurozone sẽ bị đe dọa với mỗi lần bất ổn chính trị ở các nước thành viên”, nhà phân tích Thibault Mercier tại Ngân hàng BNP Paribas có trụ sở tại Paris (Pháp) nhận định.
PHÚC NGUYÊN