.

Hơn 1/2 số người Đức phản đối gói cứu trợ Hy Lạp

.

Khảo sát do báo Welt am Sonntag của Đức thực hiện và công bố ngày 19-7 cho thấy, hơn 1/2 số người dân Đức cho rằng, gói cứu trợ dành cho Hy Lạp là một thỏa thuận tồi và nhiều người mong muốn cuộc khủng hoảng sẽ đẩy Athens ra khỏi khối các nước sử dụng đồng euro (eurozone) hơn là tạo cơ hội cứu trợ.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel (trái) chỉ trích Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble về việc ông này đề nghị Hy Lạp tạm rời eurozone.      			                  Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel (trái) chỉ trích Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble về việc ông này đề nghị Hy Lạp tạm rời eurozone. Ảnh: Reuters

Cụ thể, 56% số người dân Đức cho rằng, gói cứu trợ dành cho Hy Lạp là một thỏa thuận tồi, chỉ 1/5 số người được hỏi đã bày tỏ quan điểm rằng, đây là thỏa thuận rất tốt. Trước đó, Quốc hội Đức đã nhất trí thông qua kế hoạch nối lại các cuộc đàm phán về gói cứu trợ tài chính mới trị giá 86 tỷ euro trong 3 năm cho Hy Lạp, với 439 phiếu thuận, 119 phiếu chống và 40 phiếu trống.

Thăm dò được thực hiện với 1.380 người Đức cũng cho thấy, người dân ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu không mặn mà với cuộc bỏ phiếu của các nhà lập pháp vào ngày 17-7 vừa qua. Không những thế, theo thăm dò, có 48% số người được hỏi cho rằng, họ muốn chứng kiến Hy Lạp rời eurozone, chỉ 1/3 muốn Athens ở lại khối này.

Thủ tướng Đức Angela Merkel từng nhấn mạnh việc Quốc hội nước bà bỏ phiếu là cơ hội cuối cùng để giúp Athens tránh một kịch bản “hỗn loạn”. Bà Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble vốn bị chỉ trích vì quan điểm cứng rắn, muốn Hy Lạp phải “thắt lưng buộc bụng” hơn nữa thì mới nhận được gói cứu trợ.

Cũng trong ngày 19-7, trả lời phỏng vấn truyền hình, Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel chỉ trích Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble vì ông này đã đề nghị Hy Lạp tạm rời eurozone. Reuters dẫn lời ông Gabriel cũng bác bỏ sự lên án của quốc tế đối với Đức xung quanh vai trò của Berlin trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp; đồng thời cho rằng cáo buộc quan điểm của Berlin quá cứng rắn là không phù hợp. “Tôi nghĩ đó là nhận định không công bằng. Đức đóng góp lớn nhất trong tất cả các gói cứu trợ và chịu rủi ro cao nhất”, ông Gabriel nói.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.