Hàng nghìn người dân Athens đã tụ tập tại Quảng trường Syntagma ở trung tâm thành phố để đón mừng kết quả trưng cầu dân ý. (Ảnh: AP) |
Theo AFP, các kết quả chính thức từ 50% địa điểm bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân lịch sử ở Hy Lạp cho thấy hơn 61% cử tri nước này ngày 5-7 đã bác bỏ kế hoạch cải cách và chi tiêu khắc khổ do các chủ nợ quốc tế Liên minh châu Âu (EU) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đặt ra.
Trong khi đó, hàng nghìn người dân Athens đã tụ tập tại Quảng trường Syntagma ở trung tâm thành phố để đón mừng kết quả này, bất chấp những cảnh báo rằng việc không thể đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế có thể khiến Hy Lạp ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Trước đó ít giờ, hãng AFP dẫn phát biểu trên nhật báo Il Messaggero của Thủ tướng Italy Matteo Renzi cho biết bất kể kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Hy Lạp ra sao, những người châu Âu vẫn phải “khởi động đàm phán lại với nhau.”
Lấy dẫn chứng bức ảnh gây chấn động chụp cụ già Giorgos Chatzifotiadis, 77 tuổi, ở thành phố lớn thứ 2 Thessaloniki của Hy Lạp, ông Renzi nói: “Khi các bạn chứng kiến một cụ hưu trí khóc ròng trước cửa một ngân hàng thì các bạn nhận ra rằng một quốc gia có vai trò quan trọng đối với thế giới và một nền văn hóa như Hy Lạp không thể kết thúc như vậy.”
Ông Renzi cho rằng ngay sau khi kết thúc cuộc trưng cầu dân ý ngày 5-7, “chúng ta cần phải bắt đầu đàm phán lại với nhau và không ai biết rõ điều đó hơn (Thủ tướng Đức) bà Angela Merkel".
Các chủ nợ lớn nhất của "chúa chổm" Hy Lạp |
Thủ tướng Hy Lạp ca ngợi người dân đã có lựa chọn dũng cảm
Theo AFP/Reuters/THX, phát biểu trên truyền hình sau khi cuộc trưng cầu ý dân kết thúc, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tối 5-7 ca ngợi người dân nước này đã có một sự lựa chọn dũng cảm, đồng thời khẳng định rằng lịch sử Hy Lạp đã bước sang một trang mới.
Theo ông Tsipras, người dân Hy Lạp đã không trả lời câu hỏi có ở lại hay ra khỏi châu Âu hay không, mà vấn đề này cần phải được đặt lên bàn đàm phán.
Athens sẵn sàng tiếp tục thương lượng về một kế hoạch cải cách và đến bàn đàm phán trong ngày 6-7 với mục tiêu khôi phục hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, ông cũng sẽ yêu cầu Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos triệu tập một cuộc họp với lãnh đạo các đảng phái chính trị ở nước này vào sáng 6-7 để bàn về những nội dung trên.
Trong khi đó, thủ lĩnh Đảng Dân chủ mới (ND) theo đường lối bảo thủ đối lập, ông Antonis Samaras tối cùng ngày đã quyết định từ chức sau khi 71% số phiếu được kiểm trong cuộc trưng cầu ý dân cho thấy đa số người dân Hy Lạp nói "Không" với kế hoạch khắc khổ.
Trong diễn biến liên quan, Ủy ban châu Âu (EC) ra thông cáo cho biết cơ quan này "tôn trọng" kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp. Theo thông cáo, Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker sẽ tổ chức hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch Nhóm Eurozone Jeroen Dijsselbloem vào sáng 6-7.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk cho biết các nước Eurozone sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao vào 16h00 GMT tối 7-7 để thảo luận về cuộc khủng hoảng Hy Lạp.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Janis Varufakis đã công bố từ chức hôm thứ Hai, sau cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trong nước hôm Chủ Nhật vừa qua về những điều kiện của thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế. "Ngay sau khi công bố kết quả trưng cầu dân ý, tôi biết được rằng các thành viên của Eurogroup và một số đối tác khác cho rằng sự vắng mặt của tôi tại các cuộc đàm phán sẽ có thể giúp đạt được thỏa thuận. Vì lý do này, tôi quyết định rời khỏi Bộ Tài chính", ông Varufakis tuyên bố. |
Vietnam+