Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định: Hy Lạp đã không thể trả khoản vay 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ USD) đúng hạn và chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ. Điều này đồng nghĩa với việc Athens đã bước một chân ra khỏi khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone), dù nước này có sự nhượng bộ trong giờ phút cuối.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có sự nhượng bộ các chủ nợ vào giờ phút cuối cùng. Ảnh: AFP |
Đêm 30-6, tức chỉ vài giờ trước khi kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp hết hạn và đến thời điểm mà quốc gia châu Âu này phải thanh toán 1,6 tỷ euro (1,8 tỷ USD) cho IMF, Thủ tướng Alexis Tsipras đã gửi thư cho Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF, đề nghị một thỏa thuận mới với hy vọng ngăn chặn được sự sụp đổ tài chính. AFP dẫn một nguồn tin của chính phủ Hy Lạp cho biết, ông Tsipras nói rằng sẽ chấp nhận đề xuất của các chủ nợ.
Đồng thời, ông đề nghị một gói cứu trợ thứ ba trị giá 29,1 tỷ euro nhằm trang trải các nhu cầu tài chính của Hy Lạp trong 2 năm tới và tái cấu trúc các khoản nợ của nước này. Đây được xem là nỗ lực cuối cùng của chính phủ Tsipras nhằm giải quyết bế tắc trong đàm phán với các chủ nợ.
Tuy nhiên, các chủ nợ bác bỏ đề xuất của Hy Lạp, mặc cho hệ thống tài chính của Athens bên bờ vực sụp đổ, làm dấy lên những lo ngại về sự hỗn loạn ở eurozone. Ngoại trưởng Đức Wolfgang Schaeuble tuyên bố sẽ không có thỏa thuận nào cho đến khi Hy Lạp tổ chức trưng cầu dân ý về các đề xuất của chủ nợ vào ngày 5-7 tới. “Trước cuộc trưng cầu dân ý, sẽ không có thỏa thuận nào cả”, ông Schaeuble nhấn mạnh. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng kiên quyết bảo vệ quan điểm này.
Các quan chức châu Âu và các đảng đối lập ở Hy Lạp đều biết rõ rằng, nếu kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý là “không”, đồng nghĩa với việc Athens chỉ có một lựa chọn: rời eurozone, thậm chí rời EU và khẩn cấp thay thế bằng đồng nội tệ drachma trước đây. Hơn nữa, châu Âu cũng sẽ gánh chịu những thiệt hại khôn lường, trước hết đối với các chủ nợ. Hai gói cứu trợ cho Hy Lạp gần đây có giá trị 215,8 tỷ euro, bao gồm 183,8 tỷ euro từ EU, phần còn lại từ IMF.
Ban đầu, chính phủ cánh tả của ông Tsipras khăng khăng từ chối đề nghị của các chủ nợ để mong Athens sẽ có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán. Song, đến giờ phút cuối, các quan chức chính phủ hàm ý rằng, cuộc trưng cầu dân ý có thể không diễn ra nếu đạt được thỏa thuận trong tuần này. Phát biểu trên truyền hình, Phó Thủ tướng Yannis Dragasakis nói rằng, đề xuất mới của nước ông thu hẹp khoảng cách giữa Hy Lạp với các chủ nợ.
Tại Athens, đám đông người cao tuổi vẫn xếp hàng dài trong nhiều giờ từ sáng sớm để được rút tối đa 120 euro/tuần (134 USD), sau khi chính phủ cho mở cửa lại một số ngân hàng để hỗ trợ những người hưu trí không rút được tiền từ các máy ATM. Tại các máy ATM, người dân chỉ được phép rút 60 euro/ngày (67 USD), đồng thời không thể gửi tiền ra nước ngoài hoặc thực hiện các khoản thanh toán quốc tế khác mà không được sự cho phép đặc biệt.
Trong ngày 1-7, khoảng 20.000 người tuần hành ở quảng trường Syntagma tại Athens, kêu gọi nói “có” tại cuộc trưng cầu dân ý. Những người biểu tình giơ cao các khẩu hiệu như “Hy Lạp là châu Âu”.
PHÚC NGUYÊN