Việc 61,3% số cử tri Hy Lạp nói “không” với đề xuất cải cách của các chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ đã gây sốc cho cả châu Âu.
Người dân Hy Lạp vui mừng với kết quả bỏ phiếu chấm dứt chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Ảnh: AFP |
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel cho rằng, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã “phá hủy cầu nối” giữa Athens và châu Âu. Tương lai của Athens được cho là bất ổn.
Với 100% số phiếu được kiểm trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 5-7, 61,3% đã nói “không” với đề xuất cải cách “thắt lưng buộc bụng” của các chủ nợ, bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); 38,69% nói “có”.
Theo AP, đây là chiến thắng của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, người đã đặt cược tương lai không những của liên minh chính phủ vừa nắm quyền vỏn vẹn 5 tháng, mà còn của cả đất nước vào một canh bạc “được ăn cả, ngã về không”. “Hôm nay, chúng ta vui mừng với chiến thắng của nền dân chủ”, ông Tsipras phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, đồng thời mô tả ngày 5-7 là “ngày tươi sáng trong lịch sử châu Âu”.
Kết quả đúng như mong muốn của ông Tsipras. Tuy nhiên, bỏ phiếu nói “không” cũng đồng nghĩa với việc Hy Lạp bước vào một tương lai không ổn định với sự sụp đổ tài chính và có thể phải rời khỏi khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Kể từ khi khối gồm 19 thành viên này được thành lập vào năm 1999, chưa có nước nào phải dừng cuộc chơi.
“Phá hủy cầu nối” giữa Hy Lạp và châu Âu
Hàng ngàn người đã tập trung ở thủ đô Athens bày tỏ vui mừng về kết quả bỏ phiếu. “Tây Ban Nha và sau đó là Bồ Đào Nha nên theo con đường này”, những người tham gia tuần hành nói. Không muốn tiếp tục các chính sách “thắt lưng buộc bụng” khiến nền kinh tế chìm trong suy thoái suốt 5 năm qua, cử tri đã ủng hộ lời kêu gọi của chính phủ và bỏ phiếu “không”.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Tsipras khẳng định cuộc bỏ phiếu không có nghĩa là “đoạn tuyệt” với châu Âu, bởi tư cách thành viên eurozone của Hy Lạp là không thể đảo ngược và không có cơ sở pháp lý để loại một đất nước ra khỏi khối. Ông Tsipras nhấn mạnh, kết quả trưng cầu dân ý sẽ giúp đạt được một thỏa thuận khả thi với châu Âu. Nhà lãnh đạo 40 tuổi tuyên bố sẵn sàng cải cách và ưu tiên hàng đầu hiện nay là mở cửa trở lại các ngân hàng, đẩy mạnh thu hút đầu tư và tái cơ cấu món nợ khổng lồ trị giá 240 tỷ euro (267 tỷ USD).
Song, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho rằng, việc người Hy Lạp nói “không” là “nói không với châu Âu”. Chủ tịch nhóm bộ trưởng tài chính eurozone (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem gọi kết quả trưng cầu là điều “rất đáng tiếc đối với tương lai của Hy Lạp”. Tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nói rằng, ông tôn trọng sự lựa chọn dân chủ của người dân Hy Lạp, nhưng kết quả làm nới rộng khoảng cách giữa Athens với các nước khác trong eurozone. “Không dễ dàng gì vượt qua khủng hoảng này. Quá nhiều thời gian và quá nhiều cơ hội đã bị mất”, ông Dombrovskis tỏ ra nuối tiếc.
Trong khi đó, phát biểu với báo Tagesspiegel, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel chỉ trích gay gắt: Ông Tsipras đã “phá hủy cầu nối” giữa Hy Lạp với châu Âu. Theo ông Gabriel, Athens đã dập tắt mọi hy vọng về thỏa hiệp có thể đạt được với các đối tác trong eurozone và khó hình dung về các cuộc đàm phán gói cứu trợ mới trị giá hàng tỷ USD.
Thủ tướng Tsipras nhượng bộ
Ngay sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis bất ngờ tuyên bố từ chức theo ý của Thủ tướng Tsipras. Động thái này được cho là sự nhượng bộ của ông Tsipras đối với các chủ nợ sau khi kết quả bỏ phiếu làm phật ý châu Âu, từ đó có thể thuyết phục được EU, ECB và IMF trở lại bàn đàm phán.
Một quan chức tham dự cuộc họp của Eurogroup nói: “Thông điệp đầu tiên cho Athens là không ai muốn thấy ông Varoufakis nữa sau khi ông ấy gọi chúng tôi là những kẻ khủng bố”. Ông Varoufakis đã làm mích lòng châu Âu khi mô tả các chủ nợ “hành động như khủng bố”. Vì vậy, Thủ tướng Tsipras buộc phải “thí tốt” để cứu vãn thỏa thuận.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin nói rằng, đàm phán hiện phụ thuộc vào chính phủ Hy Lạp với các đề xuất mới. “Việc bỏ phiếu không giải quyết được gì”, ông Sapin nói. Cũng theo quan chức này, cơ hội đối thoại với Hy Lạp rất mong manh. Trong khi đó, nhà phân tích Holger Schmieding tại Ngân hàng Berenberg cảnh báo việc thay đổi Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp “mang tính biểu tượng hơn là thay đổi thực chất”.
Hãng AP cho biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Paris vào tối 6-7. Các nhà lãnh đạo eurozone cũng nhóm họp khẩn trong ngày 7-7 để thảo luận về khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Theo nhà phân tích tiền tệ Shinya Harui tại Công ty chứng khoán Nomura ở Tokyo (Nhật Bản), nguy cơ Hy Lạp phải rời eurozone là rất cao, khoảng 70-80%. Hiện vẫn chưa rõ eurozone có nới tay với Athens hay không và cũng chưa có dấu hiệu rõ ràng về tương lai của đất nước này.
PHÚC NGUYÊN