Trong phiên xử tại tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) thuộc Liên Hợp Quốc có trụ sở ở The Hague (Hà Lan), Philippines cảnh báo Luật Biển quốc tế đang bị đe dọa. PCA đã bắt đầu xem xét vụ kiện của Philippines đối với các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Người dân Philippines yêu cầu Trung Quốc ngừng hành động “bắt nạt” trên Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Hãng Reuters cho biết, trong phiên xử kín ngày 7-7, Philippines lập luận rằng, tòa án quốc tế nên can thiệp vào cuộc tranh chấp giữa nước này với Trung Quốc xung quanh quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên và đánh bắt cá trên Biển Đông. Philippines muốn tòa làm rõ các giới hạn lãnh thổ để bảo vệ quyền đánh cá và khai thác trong khu vực đặc quyền kinh tế của Manila. Trong tuần này, bồi thẩm đoàn của PCA gồm 5 người sẽ nghe các tranh luận.
Philippines đệ đơn lên PCA vào đầu năm 2013 nhằm tìm kiếm quyền được khai thác trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của quốc gia này theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Philippines muốn PCA ra phán quyết yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc là vô giá trị khi chiếm hơn 80% diện tích EEZ của Manila.
“Philippines tin rằng, tòa án sẽ ra phán quyết xung quanh tất cả yêu cầu mà nước này đưa ra”, luật sư Paul Reichler, đại diện Philippines, cho biết. Ông Reichler nhấn mạnh vụ kiện sẽ tiếp tục dù Trung Quốc không tham dự, đồng thời bày tỏ tin tưởng tòa quốc tế cuối cùng cũng sẽ ủng hộ Philippines.
Có mặt tại The Hague, Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng, phiên tòa là diễn đàn duy nhất để Manila có thể đánh bại Trung Quốc. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho hay, nước ông phải nhờ tòa án quốc tế can thiệp bởi hành vi của Trung Quốc đang ngày càng “hung hăng” và các cuộc đàm phán không mang lại kết quả.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines, UNCLOS - mà cả Manila và Bắc Kinh đều ký kết - có thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp. “Vụ kiện này không chỉ quan trọng đối với Philippines mà còn đối với khu vực và thế giới”, ông Rosario nói. Ngoại trưởng Philippines còn chỉ trích: “Cái gọi là đường chín đoạn (căn cứ bản đồ cũ của Trung Quốc) không hề có cơ sở nào theo luật quốc tế”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh không chấp nhận thẩm quyền của tòa án và không tham dự phiên tòa. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn này tuyên bố: “Trung Quốc phản đối bất kỳ hình thức tố tụng nào do Philippines đề xuất và thúc đẩy”. Tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh lập luận rằng, tranh chấp ở Biển Đông “không chịu ảnh hưởng của UNCLOS vì nó thuộc vấn đề chủ quyền, không phải quyền khai thác tài nguyên” (!?).
Căng thẳng gia tăng trên Biển Đông trong những năm gần đây, nhất là khi Trung Quốc có hàng loạt động thái như bồi đắp các đảo nhân tạo, đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển và bãi cạn mà Manila xem là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình…
Theo Reuters, mặc dù Trung Quốc từ chối tham dự phiên tòa nhưng vụ việc đang được các chính phủ châu Á và Mỹ quan tâm, theo dõi chặt chẽ. PCA cũng cho phép phái đoàn Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan tham dự vụ Philippines kiện Trung Quốc với tư cách quan sát viên.
Luật sư Philippines Paul Reichler kỳ vọng PCA sẽ có phán quyết trong vòng 90 ngày. Song, theo các nhà quan sát, tòa sẽ không có phán quyết nào cho đến năm 2016.
PHÚC NGUYÊN