Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định liên minh quân sự này sẽ sát cánh với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq.
Các quan chức NATO nhóm họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) ngày 28-7 để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ chống IS. Ảnh: AP |
Ngày 28-7, các đại sứ NATO có cuộc họp khẩn cấp hiếm hoi tại Brussels (Bỉ) theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ để bàn thảo về mối đe dọa từ IS mà Ankara đang phải đối mặt. Đây là lần nhóm họp khẩn cấp thứ 5 trong lịch sử 66 năm của liên minh quân sự này. Phát biểu khai mạc tại cuộc họp, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh theo dõi sát sao mọi diễn biến và đoàn kết chặt chẽ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông bày tỏ cam kết ủng hộ thành viên chủ chốt Thổ Nhĩ Kỳ khi phải đối mặt với “các hành động khủng bố kinh hoàng” và tình hình bất ổn dọc biên giới phía nam nước này. Song, ông nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không yêu cầu sự hiện diện của bất kỳ thành viên liên minh tại lãnh thổ quốc gia này.
Theo điều 4 - Hiệp ước thành lập NATO, một nước thành viên liên minh có thể yêu cầu triệu tập cuộc họp đại sứ 28 nước để tham vấn chính trị, trong trường hợp nước đó cho rằng sự toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và độc lập chính trị của mình bị đe dọa. “Nếu một thành viên của NATO bị tấn công, NATO sẽ ủng hộ bằng mọi cách”, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói.
Hãng AP cho biết, trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, các đại sứ NATO đã chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tấn công khủng bố chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời bày tỏ sự cảm thông với chính phủ Ankara và các gia đình nạn nhân trong những vụ khủng bố gần đây. “Khủng bố tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của các nước NATO, đối với sự ổn định và thịnh vượng của quốc tế”, tuyên bố nêu rõ. Các đại sứ cũng cho rằng, đây là mối đe dọa toàn cầu mà không phân biệt biên giới, quốc tịch hoặc khu vực - một thách thức mà cộng đồng quốc tế phải cùng đấu tranh.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã đạt được thỏa thuận hình thành vùng đệm sạch bóng IS, bảo đảm mức độ an ninh, ổn định tốt hơn tại khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các quan chức Ankara và Washington gọi đây là “khu vực an toàn không IS” do lực lượng nổi dậy ôn hòa Syria kiểm soát, đồng thời là khu vực an toàn cho 1,7 triệu công dân Syria vốn đi lánh nạn trở về nước.
Tuy nhiên, kế hoạch giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ hiện không bao gồm việc áp đặt một vùng cấm bay - một bước đi Ankara từng nhiều lần đề nghị nhưng Washington vẫn chưa đồng ý.
Phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 28-7 trước khi đến Trung Quốc, Tổng thống Erdogan cho biết, không thể tiếp tục thảo luận tiến trình hòa đàm với các chiến binh người Kurd khi các vụ tấn công nhằm vào người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp diễn.
Ông Erdogan cũng cam kết không lùi bước trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, đồng thời hy vọng NATO sẽ có các giải pháp cần thiết. Thời gian gần đây, một vụ đánh bom liều chết ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã làm 32 người chết; một cuộc tấn công do IS thực hiện nhằm vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ làm 1 binh sĩ thiệt mạng…
Trong hàng loạt cuộc không kích dọc biên giới để thực hiện chiến dịch mở rộng chống IS, Ankara không chỉ nhằm vào mục tiêu IS ở phía bắc Syria mà còn hướng đến đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Iraq. Ankara vốn xem PKK là tổ chức khủng bố và đã tiến hành đàm phán hòa bình với thủ lĩnh nhóm này, Abdullah Ocalan, vào cuối năm 2012 nhưng hai bên chưa đạt được một thỏa thuận nào.
Theo một số thành viên NATO và các nhà quan sát độc lập, hiện chưa rõ mục tiêu số 1 của Thổ Nhĩ Kỳ là IS hay người Kurd. Chính Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng xác nhận với báo giới rằng: “Không có gì khác biệt giữa PKK và IS”.
Hiện tại, nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Đức, Saudi Arabia…
PHÚC NGUYÊN