Sách Trắng mang tên “Quốc phòng Nhật Bản 2015” được công bố ngày 21-7 cáo buộc Trung Quốc “làm gia tăng quan ngại của cộng đồng quốc tế” khi có “những hành động đơn phương” trên Biển Đông.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bìa phải) trong một lần đến căn cứ không quân Hyakuri, phía bắc Tokyo. Ảnh: AP |
Sách Trắng dài gần 500 trang, được nội các Nhật Bản thông qua vào ngày 21-7, phác thảo vị thế quốc phòng và các mối đe dọa hiện hữu với nước này. Điều đáng lưu ý là lần đầu tiên báo cáo đề cập các bức ảnh vệ tinh chụp những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Sách Trắng viết: Trung Quốc, đặc biệt trong các vấn đề hàng hải, tiếp tục hành động một cách quyết liệt, trong đó có những nỗ lực thay đổi hiện trạng… “Nhật Bản lo ngại sâu sắc về những hành động của Trung Quốc và chúng tôi cần tiếp tục giám sát chặt chẽ”, Sách Trắng nêu rõ.
Báo cáo nhắc lại mối quan ngại của Nhật Bản về việc hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương và những gì mà Tokyo gọi là “sự không rõ ràng” khi ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh tăng vọt.
Việc thông qua Sách Trắng đã bị trì hoãn hơn 1 tuần khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền bác bỏ tài liệu dự thảo vì “không nhắc gì đến các hoạt động Trung Quốc trên Biển Đông”. Sách Trắng được đưa ra trong lúc chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách thuyết phục công chúng về sự cần thiết thúc đẩy vai trò lớn hơn của quân đội Nhật. Tokyo không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng lo ngại các căn cứ quân sự khi được hoàn tất có thể tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng biển có 5.000 tỷ USD giao dịch thương mại bằng tàu, thuyền của thế giới mỗi năm. Trong đó, nhiều tàu, thuyền xuất phát từ Nhật Bản hoặc đến quốc gia này.
Theo AP, Trung Quốc hiện có tranh chấp với một số nước về chủ quyền trên Biển Đông và đang theo đuổi chương trình cải tạo đất trái phép ở khu vực này. Trung Quốc và Nhật Bản cũng tranh chấp về chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Các tàu và máy bay của Trung Quốc thường xuyên giám sát hoạt động của lực lượng Nhật Bản tại vùng biển này. Từ 2 năm trước, Trung Quốc tiến hành xây dựng nhiều cơ sở thăm dò ở Biển Hoa Đông, dù bị Nhật Bản phản đối. “Chúng tôi xác nhận Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhiều cơ sở thăm dò mới và chúng tôi lặp lại sự phản đối hành động đơn phương của Trung Quốc, yêu cầu nước này ngừng ngay mọi hoạt động”, Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố.
Trong lúc quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản nguội lạnh đáng kể, các nhà quan sát cảnh báo, điều này có thể khơi mào cho một cuộc xung đột vũ trang có giới hạn.
Tuần trước, Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản sau khi Hạ viện ở Tokyo thông qua dự luật lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến thứ hai mở rộng vai trò quân sự của xứ sở hoa anh đào. Theo đó, với quyền “phòng vệ tập thể”, Nhật Bản có thể trợ giúp đồng minh trong trường hợp bị tấn công. Thực tế, Trung Quốc lo lắng Tokyo có thể từ bỏ chủ nghĩa hòa bình và các nhà quan sát cũng cho rằng, đây là chiến lược của Thủ tướng Abe nhằm đối phó với Bắc Kinh.
Nhật Bản đang tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ trong khu vực Đông Nam Á. Tokyo muốn hỗ trợ nâng cao năng lực của các quốc gia Đông Nam Á để đối phó với những hoạt động của Trung Quốc. Mới đây, Nhật Bản và Philippines tiến hành hai cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông. Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Abe và Tổng thống Benigno Aquino tuyên bố bắt đầu tiến hành đàm phán việc cho phép Nhật sử dụng căn cứ quân sự của Philippines ở Biển Đông.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn đang nỗ lực giải thích với công chúng về sự cần thiết của dự luật mới giữa lúc môi trường an ninh khắc nghiệt hơn xung quanh Nhật Bản. Song, cũng vì việc lý giải lại Hiến pháp hòa bình, tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng Abe hiện giảm rõ rệt. Thăm dò mới nhất cho thấy, chỉ 35% số những người được hỏi ủng hộ nhà lãnh đạo này, mức thấp nhất kể từ khi ông nắm quyền vào năm 2012.
Ngày 21-7, Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng Hàn Quốc Pak Chon-kyu đã gửi công hàm đến Tùy viên quốc phòng Nhật Bản tại thủ đô Seoul, Đại tá Goto Nobuhisa, để phản đối việc “Sách trắng Quốc phòng 2015” khẳng định “quần đảo Dokdo/Takeshima thuộc lãnh thổ Nhật Bản”. Nhật Bản và Hàn Quốc hiện tranh chấp chủ quyền quần đảo Dokdo/Takeshima. |
PHÚC NGUYÊN