Áp lực đang đè nặng lên Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bởi rốt cuộc thì ông phải nhượng bộ các chủ nợ với chính sách “thắt lưng buộc bụng” chặt hơn, để Athens không rời khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cuối cùng phải nhượng bộ các chủ nợ. Ảnh: AP |
Cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 5-7 là chiến thắng của Thủ tướng Alexis Tsipras khi hơn 61% số cử tri nói “không” với chính sách “thắt lưng buộc bụng” của các chủ nợ. Nhưng giờ đây, ông Tsipras không còn là “người hùng”, bởi kế hoạch cải cách mà nhà lãnh đạo cánh tả này đưa ra chẳng khác gì những đòi hỏi của châu Âu, trong đó có việc giảm chi tiêu, tăng thuế, cải cách lương hưu, v.v…
Cách đây 5 tháng, ông Tsipras nhậm chức Thủ tướng với cam kết chấm dứt chính sách “thắt lưng buộc bụng” và việc phục tùng châu Âu lúc này là quyết định khó khăn với ông. Nhượng bộ các chủ nợ đồng nghĩa với việc bác bỏ kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. Điều mà ông Tsipras mong đợi là một gói cứu trợ thứ ba trong 3 năm, trị giá 53,5 tỷ euro (59,5 tỷ USD).
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo ở Brussels (Bỉ) cho rằng, Hy Lạp cần nhiều hơn thế và gói cứu trợ thứ ba lên tới 86 tỷ euro (95,29 tỷ USD). Hiện Athens cần ngay 7 tỷ euro trước ngày 20-7 và tổng cộng 12 tỷ euro vào giữa tháng 8 để thanh toán các khoản nợ đáo hạn. Nhưng theo các nhà quan sát, dù Hy Lạp giành được gói cứu trợ nhưng đó cũng là thất bại của ông Tsipras.
Theo AP, để có được thỏa thuận, Thủ tướng Tsipras phải lấy lại niềm tin của nhiều đồng minh trong số 18 nước còn lại của eurozone. Ông Tsipras khẳng định đang nỗ lực để tránh những giải pháp khắc khổ nhất và Hy Lạp sẽ đấu tranh để tăng trưởng trở lại, nhưng nếu đàm phán thất bại, Athens sẽ phải rơi vào “vực thẳm kinh tế” và rời eurozone.
Hãng AP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố “không có việc Hy Lạp rời eurozone”. Ông Juncker cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, Thủ tướng Tsipras bị “sỉ nhục” bằng việc phải chấp nhận cải cách sâu rộng. “Trong thỏa thuận này, không có người chiến thắng và không có kẻ thất bại”, ông Juncker nói.
Mọi sự chú ý đổ dồn vào Hội nghị thượng đỉnh eurozone diễn ra ở Brussels. Ngày 13-7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thông qua một thỏa thuận cung cấp khoản cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp và giữ nước này trong eurozone. Song, vẫn còn hai vấn đề lớn chưa tìm được tiếng nói chung, đó là sự tham gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào chương trình cứu trợ trong khuôn khổ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) và việc lập quỹ tín thác là tài sản nhà nước của Hy Lạp trị giá 50 tỷ euro.
Bộ trưởng Cải cách Hy Lạp George Katrougalos cho rằng, chính sách “thắt lưng buộc bụng” của châu Âu đã chiến thắng. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) ước tính thiệt hại cho Hy Lạp trong 2 tuần khủng hoảng kinh tế và chính trị vừa qua là 25-30 tỷ euro. Một nhà ngoại giao khác của eurozone đưa ra con số thiệt hại là 50 tỷ euro.
Theo Reuters, Hy Lạp trước đó phản đối những đề xuất trên trong kế hoạch cải cách mà Eurozone đưa ra. Vì vậy, Thủ tướng Tsipras sẽ khó thuyết phục đảng Syriza cầm quyền của ông chấp nhận “thỏa thuận phục tùng” này. Bộ trưởng Lao động Hy Lạp Panos Skourletis nói rằng, các điều khoản thỏa thuận không khả thi và sẽ dẫn đến các cuộc bầu cử mới trong năm nay.
Một số nhà ngoại giao đặt ra nghi ngại rằng, ông Tsipras có thể sẽ sa thải các bộ trưởng không ủng hộ lập trường đàm phán của ông và khiến những nhà lập pháp trong đảng Syriza từ chức. Theo một tờ báo Đức, ông Tsipras từ lâu đã có kế hoạch tiến hành bầu cử trước thời hạn.
THIÊN BÌNH