Quốc tế
Châu Phi đang chuyển động
Trong chuyến thăm quê hương đầu tiên với tư cách là Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama nói rằng: “Châu Phi đang chuyển động. Châu Phi là một trong những khu vực đang phát triển nhanh nhất thế giới”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) và người đồng cấp Kenya Uhuru Kenyatta tham gia cuộc họp báo chung tại Nairobi ngày 25-7. Ảnh: AFP |
Nhiều vấn đề đặt ra tại khu vực châu Phi, trong đó có tham nhũng, xung đột bộ tộc, cải thiện giáo dục và y tế, bình đẳng giới, đặc biệt là việc đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố…
Theo giới phân tích, chuyến thăm quê hương Kenya lần này của Tổng thống Barack Obama có vai trò quan trọng trong việc làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Washington và Nairobi, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại và an ninh tại Đông Phi. Vì vậy, các nhà quan sát đặc biệt quan tâm thông điệp mà ông Obama mang đến hai nước châu Phi: cả Kenya lẫn Ethiopia.
Theo báo The Christian Science Monitor, chuyến công du của Tổng thống Obama tại châu Phi là minh chứng cho thấy cái nhìn của phương Tây đối với “lục địa đen” đã thay đổi. Hai người tiền nhiệm của ông Obama là Bill Clinton và G.W.Bush cũng đã tìm cách hỗ trợ châu Phi; trong đó, một người hỗ trợ đối phó HIV/AIDS, một người mở cửa thị trường Mỹ để hàng hóa châu Phi tiếp cận.
Song, ông Obama muốn chính người dân châu Phi phải tự hỗ trợ mình bằng cách tạo ra “những doanh nhân xã hội”. Năm ngoái, kim ngạch thương mại giữa Kenya và Mỹ đạt mức kỷ lục 300 triệu USD. Hiện Mỹ là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Kenya.
Tại Ethiopia, ông Obama sẽ có bài phát biểu tại trụ sở Liên minh châu Phi (AU) ở Addis Ababa, đồng thời là Tổng thống Mỹ đầu tiên phát biểu tại cơ quan của 54 quốc gia thành viên. Song, Nhà Trắng dường như tập trung vào chuyến thăm Kenya nhiều hơn, nơi mà ông Obama đồng chủ trì Hội nghị cấp cao doanh nghiệp toàn cầu (GES) bàn về tăng cường vai trò của các doanh nghiệp tại châu Phi vào ngày 25-7. Chính phủ Mỹ kỳ vọng hội nghị GES lần này sẽ có thể thu hút đầu tư tư nhân hơn 1 tỷ USD trong 3 năm tới.
Ngày 26-7, tại Kenya, Tổng thống Obama đề cập những vấn đề: tham nhũng, xung đột bộ tộc, cải thiện giáo dục và y tế, việc đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố… Đây là những thách thức đe dọa tương lai của Kenya. Riêng “căn bệnh ung thư” tham nhũng làm Kenya mất 250.000 việc làm.
Ông Obama nói với người dân Kenya rằng, đất nước này đang ở một giao lộ và thúc giục họ “chọn con đường đi lên” bằng việc tiếp tục loại bỏ tham nhũng, loại bỏ sự bất bình đẳng trong thu nhập, đối xử tốt hơn với phụ nữ và các bé gái. Tổng thống Mỹ nói: “Tôi muốn hiện diện ở đây vì châu Phi đang chuyển động. Châu Phi là một trong những khu vực đang phát triển nhanh nhất thế giới”.
Trước đó, chuyến thăm Kenya của Tổng thống Mỹ đã bị hoãn khi Tổng thống quốc gia châu Phi này, ông Uhuru Kenyatta, đối mặt với các cáo buộc hình sự về tội ác chống lại loài người liên quan đến vai trò của ông trong các vụ bạo lực sau bầu cử cách đây 7 năm. Song, Tòa án Hình sự quốc tế đã hủy bỏ cáo buộc do thiếu bằng chứng.
Sau Kenya, chặng dừng chân của Tổng thống Obama tại Ethiopia vào tối 26-7 cũng được xem là “chuyến thăm lịch sử”, theo đó sẽ mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa AU và Mỹ. Theo AP, đây là dấu hiệu về sự gia tăng vị thế của quốc gia Đông Phi Ethiopia này. Ông Obama sẽ bàn thảo về nhiều vấn đề với người đồng cấp chủ nhà Mulatu Teshome cũng như với Thủ tướng Hailemariam Desalegn, như: cuộc xung đột ở Nam Sudan, việc đối phó với nhóm phiến quân Al-Shabab có quan hệ với Al-Qaeda và cả việc phát triển kinh tế…
VĨNH AN