.

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1: Thắng lợi của Nga

.

Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với P5+1 có sự giúp sức của Nga sẽ thúc đẩy thương mại giữa Mátxcơva với Tehran. Có nhà quan sát cho rằng, nếu không được Nga hậu thuẫn thì sẽ không có thỏa thuận lịch sử này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc đàm phán tại Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 28-3-2015. Nga đã ủng hộ Iran trong việc giành được thỏa thuận với P5+1.    					                                                Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc đàm phán tại Lausanne, Thụy Sĩ, ngày 28-3-2015. Nga đã ủng hộ Iran trong việc giành được thỏa thuận với P5+1. Ảnh: AFP

Là đồng minh của Iran, Nga dường như là trung tâm trong việc bảo đảm thành công của thỏa thuận. Các chuyên gia cho rằng, thỏa thuận có thể giúp đánh bóng hình ảnh của Nga trên trường quốc tế, trong lúc Mátxcơva bị phương Tây chỉ trích trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi sự hỗ trợ của người đồng cấp Vladimir Putin trong việc đạt được thỏa thuận lịch sử với Iran. Đây là sự thiện chí hiếm hoi giữa hai nhà lãnh đạo trong lúc quan hệ Nga- phương Tây đang căng thẳng. Ông Sergei Seregichev, học giả về Trung Đông của Nga, nhận định: “Ai đã giúp Iran đạt được thỏa thuận với Mỹ? Đó là Nga. Nếu không có Nga thì sẽ không có thỏa thuận”.

Theo AFP, khi các biện pháp cấm vận Iran được dỡ bỏ, Nga có thể là quốc gia đầu tiên giành các hợp đồng béo bở từ Iran ở những lĩnh vực then chốt như năng lượng và giao thông, trong lúc nền kinh tế của Mátxcơva cũng đang chịu tác động bởi lệnh trừng phạt của phương Tây. Giám đốc chương trình phi hạt nhân hóa tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách của Nga Andrei Baklitsky cho rằng, Iran sẽ cần các công ty nước ngoài đến đầu tư; các công ty Nga đang muốn tham gia đầu tư. Hồi tháng 4 vừa qua, người đứng đầu tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Lukoil của Nga, ông Vagit Alekperov, cho biết công ty này rất muốn sớm trở lại Iran khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Nhiều công ty dầu mỏ của phương Tây cũng có mong muốn tương tự.

Cũng theo các chuyên gia, Nga sẽ có vai trò hàng đầu trong việc phát triển lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự của Iran. Điện Kremlin nói rằng, thỏa thuận mới sẽ thúc đẩy các kế hoạch quy mô lớn về hợp tác hạt nhân hòa bình giữa hai nước. Công ty năng lượng nguyên tử nhà nước Nga Rosatom sẽ hỗ trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran và đang có kế hoạch xây dựng thêm các lò phản ứng tại quốc gia Trung Đông này.

Trong các cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi ngay lập tức dỡ bỏ việc cấm vận vũ khí với Iran. Lệnh cấm vận này sẽ được duy trì trong 5 năm nhưng ông Lavrov nói rằng, việc giao dịch vẫn có thể được thực hiện với sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). Tháng 4 vừa qua, Nga đã hủy bỏ lệnh cấm bán hệ thống phòng không S-300 cho Iran. Một quan chức Điện Kremlin xác nhận việc Nga và Iran đang chuẩn bị thỏa thuận cung cấp hệ thống phòng không nhưng không bình luận về việc thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch mua bán này.

Tuy nhiên, việc Iran trở lại thị trường năng lượng toàn cầu sẽ phủ bóng lên lợi nhuận của Nga. Theo các nhà phân tích, điều này sẽ làm giá dầu giảm, đồng thời hạn chế lượng dầu mà Mátxcơva cung cấp cho châu Âu. “Iran rất háo hức xuất khẩu dầu lại sang châu Âu”, chuyên gia về Trung Đông Semyon Bagdasarov tại Trung tâm Nghiên cứu phân tích có trụ sở ở Mátxcơva nói, đồng thời cho rằng sự cạnh tranh sẽ gia tăng.

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ cũng cho rằng, việc Iran trở lại thị trường dầu mỏ, sau khi thỏa thuận hạt nhân được Hội đồng Bảo an LHQ, Quốc hội Mỹ và Quốc hội Iran thông qua, có thể làm giá dầu giảm. Song, theo một số nhà phân tích khác, giá dầu sụt giảm sẽ không là thảm họa đối với các lợi ích của Iran, một thành viên của OPEC. Hơn nữa, các chuyên gia nhận định: Iran trở lại thị trường dầu mỏ sẽ không diễn ra ngay lập tức, mà sớm nhất là đầu năm tới.

Ngày 18-7, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cho rằng, thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và P5+1 sẽ không làm thay đổi chính sách của nước ông đối với Mỹ. Đây là phát biểu công khai đầu tiên của ông Khamenei kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo giành được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc. “Chính sách của chúng tôi đối với chính phủ Mỹ không thay đổi gì cả... Chúng tôi không đàm phán với Mỹ về các vấn đề khu vực và toàn cầu. Chúng tôi không đàm phán về các vấn đề song phương”, ông Khamenei nói.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.