.

Thỏa thuận lịch sử giữa Iran và P5+1

.

Iran gọi việc đạt được thỏa thuận với các cường quốc về chương trình hạt nhân của nước này vào ngày 14-7 là “thời khắc lịch sử” của một thỏa thuận lịch sử. Song, Israel cho rằng, đây là “sai lầm lịch sử”.

Ngoại trưởng các nước tham gia đàm phán và các quan chức Liên minh châu Âu (EU) vui mừng sau khi đạt được thỏa thuận. 						          Ảnh: AFP
Ngoại trưởng các nước tham gia đàm phán và các quan chức Liên minh châu Âu (EU) vui mừng sau khi đạt được thỏa thuận. Ảnh: AFP

Cuộc đàm phán marathon kéo dài 18 ngày tại Vienna (Áo) đã mang lại thỏa thuận về việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và đổi lại là gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với nước này. Thỏa thuận lịch sử mà Iran và nhóm P5+1 đạt được vào ngày 14-7 chấm dứt 13 năm căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran cùng với những thất bại ngoại giao và sự đe dọa hành động quân sự.

“Tôi nghĩ, đây là dấu hiệu hy vọng cho toàn thế giới”, Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini nói. Cũng theo bà Mogherini, quyết định này có thể mở ra con đường dẫn đến một chương mới trong quan hệ quốc tế; đồng thời minh chứng ngoại giao, hợp tác có thể vượt qua căng thẳng và sự đối đầu kéo dài nhiều thập niên.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn rằng, hôm nay, thế giới thở phào nhẹ nhõm”. Có mặt tại cuộc đàm phán, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cam kết Mátxcơva sẽ “chủ động tham gia các bước đi thực tế để hiện thực hóa thỏa thuận”.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng gọi đây là thỏa thuận lịch sử, theo đó có thể bình thường hóa quan hệ quốc tế của Iran và hỗ trợ giải quyết khủng hoảng ở Trung Đông.

Thực chất, thỏa thuận là kết quả của cả chặng đường đàm phán suốt 13 năm, chứ không chỉ trong 18 ngày qua. Cái bắt tay với P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) là thắng lợi cho Iran, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa Tehran với phương Tây sau 13 năm căng thẳng, bế tắc về vấn đề hạt nhân; đồng thời có thể dẫn đến sự hợp tác nhiều hơn giữa Tehran với Washington trong việc đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif mô tả đây là “thời khắc lịch sử”. “Chúng tôi đang bắt đầu một chương mới của sự hy vọng”, ông Zarif vui mừng nói. Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố thỏa thuận sẽ mở ra “những chân trời mới” trong quan hệ giữa Iran và phương Tây.

Theo AFP, thỏa thuận hạn chế các chương trình hạt nhân của Iran ở mức độ không thể sản xuất vũ khí hạt nhân ít nhất trong 10 năm, cắt giảm khoảng 2/3 số lượng máy ly tâm (từ 19.000 còn 6.104 máy).

Đổi lại, các biện pháp cấm vận kinh tế chống Tehran được dỡ bỏ. Song, thỏa thuận không buộc Iran phá bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, mà chỉ tập trung giám sát, hạn chế và kiểm soát chặt chẽ hơn các cơ sở hạ tầng nhằm ngăn chặn Tehran tái khởi động cuộc chạy đua bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân. Iran sẽ cho phép các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) thanh sát các cơ sở hạt nhân của nước này.

Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano khẳng định cơ quan này và Tehran đã vạch ra lộ trình để giải quyết những nghi ngại. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt có thể bị khôi phục trong 65 ngày nếu Iran vi phạm thỏa thuận.

Về phía Israel, tất nhiên thỏa thuận không làm vừa lòng Nhà nước Do Thái, vốn chưa bao giờ loại bỏ việc sẽ đánh bom Iran. Israel cho rằng, thỏa thuận quá yếu để ngăn chặn “kẻ thù tinh quái” của Tel Aviv sở hữu vũ khí hạt nhân. Cũng trong ngày 14-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi thỏa thuận là “sai lầm lịch sử cho thế giới” và hàm ý rằng, ông vẫn sẵn sàng ra lệnh hành động quân sự.

Từ lâu, ông Netanyahu đã phản đối bất kỳ thỏa thuận nào với Iran. Israel trước đó cũng báo hiệu quốc gia này có thể hành động quân sự nếu cần ngăn chặn nước Cộng hòa Hồi giáo sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Netanyahu từng vận động Quốc hội Mỹ và Đại hội đồng LHQ nhưng rốt cuộc không ngăn chặn được thỏa thuận.

Chiến thắng của Tổng thống Barack Obama

Hãng AFP cho rằng, thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran với các cường quốc là thắng lợi về ngoại giao của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để xem xét thỏa thuận và bỏ phiếu tán thành hoặc bác bỏ. Nhưng nếu Quốc hội không thông qua, ông Obama vẫn có thể dùng quyền phủ quyết của mình.

Trong khi người tiền nhiệm là ông G.W.Bush đã xếp Iran vào “trục ma quỷ” thì ông Obama chọn con đường ngoại giao với Tehran. Thậm chí, hồi tháng 9-2013, ông đã có một động thái chưa từng có của một Tổng thống Mỹ trong nhiều thập niên: điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Theo AFP, chính cuộc bầu cử Tổng thống năm 2013 với chiến thắng thuộc về ông Rouhani, một người ôn hòa, là dấu hiệu về sự thay đổi trong chính sách kinh tế của Iran và dẫn đến thỏa thuận ngày nay.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.