.

Thủ tướng Hy Lạp gặp khó

.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang tìm cách để Quốc hội thông qua thỏa thuận cứu trợ. Trong lúc đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro vẫn không đủ để cứu Hy Lạp khỏi cuộc khủng hoảng tài chính.

Biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng” ở thủ đô Athens ngày 15-7.                       Ảnh: AP
Biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng” ở thủ đô Athens ngày 15-7. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, hàng chục nghị sĩ, bao gồm các nhân vật cấp cao của đảng Syriza và đối tác liên minh, có thể bác bỏ hoàn toàn hoặc bác bỏ một phần thỏa thuận mà Hy Lạp vừa đạt được với các chủ nợ, làm gia tăng quan ngại về sự tồn tại của chính phủ. Vì vậy, Thủ tướng Alexis Tsipras phải dựa vào các nghị sĩ đối lập thân châu Âu thì mới hy vọng giành chiến thắng tại cuộc họp Quốc hội ngày 15-7 (giờ Athens), kết quả dự kiến sẽ có sau nửa đêm. Nếu thỏa thuận thất bại thì một cuộc bầu cử sớm có thể diễn ra.

Quốc hội Hy Lạp phải thông qua thỏa thuận trước khi các nhà lãnh đạo của 18 nước còn lại thuộc khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) bắt đầu đàm phán. Ông Tsipras dự đoán “đa số người dân Hy Lạp sẽ ủng hộ thỏa thuận” nhưng cũng thừa nhận rằng, ông “không thể nói chắc chắn” việc Athens không rời eurozone cho đến khi một thỏa thuận cứu trợ cuối cùng được ký.

Chính phủ Hy Lạp, liên minh giữa đảng Syriza cánh tả với đảng Hy Lạp độc lập cánh hữu, hiện chiếm 162 ghế trong Quốc hội gồm 300 ghế. Việc tăng thuế, cải cách lương hưu làm gia tăng sự tức giận trong đảng Syriza cánh tả. Hơn 30 nghị sĩ Syriza công khai phản đối thỏa thuận. Các bộ trưởng hàng đầu trong chính phủ cũng phản đối ông Tsipras. Trên trang web của Bộ Năng lượng, Bộ trưởng Panagiotis Lafazanis cho rằng, thỏa thuận là “không thể chấp nhận” và kêu gọi Thủ tướng rút lại giao ước này. Trong lúc đó, các cuộc biểu tình chống “thắt lưng buộc bụng” diễn ra ở Athens trong ngày 15-7. Các cuộc đình công làm hệ thống giao thông công cộng gián đoạn và các dịch vụ của nhà nước đình trệ. Các ngân hàng vẫn đóng cửa cho đến hết ngày 16-7.

IMF cho rằng, với những gì mà Hy Lạp đang đối mặt thì nước này cần gói cứu trợ nhiều hơn 86 tỷ euro. Theo thống kê mới nhất của IMF, nợ công của Hy Lạp sẽ tương đương khoảng 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này trong 2 năm tới (con số ước tính trước đó là 177%). Nguyên nhân do kinh tế của Hy Lạp tiếp tục suy thoái trong năm nay. Đến năm 2022, nợ công của Hy Lạp dự báo sẽ tương đương 170% GDP (dự báo được công bố cách đây 2 tuần là 142%). Theo đó, IMF đánh giá cơ cấu nợ hiện tại của Hy Lạp không bền vững và Athens cần nhiều hơn khoản tiền cứu trợ trị giá khoảng 86 tỷ euro. IMF vốn quy định không cung cấp các khoản vay cho một nước nếu tình trạng nợ công của nước này không được đánh giá là bền vững. IMF đã đưa ra 3 sự lựa chọn: hoặc gia hạn thời gian chi trả cho Hy Lạp trong 30 năm; hoặc chuyển tiền mặt theo định kỳ cho Athens để trả nợ; hoặc xóa một phần số nợ hiện tại. Một quan chức cấp cao của IMF nói rằng, tổ chức quốc tế này sẽ chỉ tham gia gói cứu trợ thứ ba nếu các chủ nợ của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra một kế hoạch rõ ràng.

Tuy nhiên, điều này sẽ đặt Đức vào thế khó bởi Berlin đã rót nhiều tiền hơn bất kỳ nước nào vào việc giải cứu Hy Lạp và luôn phản đối việc xóa một phần nợ. Hơn nữa, sau nhiều tháng đàm phán, chính phủ Berlin vấp phải những chỉ trích từ phe đối lập về gói cứu trợ mới.

Trong một báo cáo, Ủy ban điều hành Liên minh châu Âu (EU) cũng dự đoán nợ công của Hy Lạp tương đương 165% GDP vào năm 2020, 150% vào năm 2022 và 111% vào năm 2030.

Hãng AP cho hay, trước nhiều áp lực, Thủ tướng Tsipras tuyên bố không từ chức. Ông chỉ trích thỏa thuận nhưng nói rằng, đây là cách tốt nhất cho Hy Lạp. “Chúng ta đối mặt với sự cứng rắn và sự trừng phạt từ các đối tác… Nhưng thỏa thuận đưa ra giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng”, ông Tsipras nói. Chưa rõ nhà lãnh đạo này sẽ có hướng xử trí như thế nào nếu thỏa thuận bị Quốc hội bác bỏ, nhất là khi Hy Lạp đang cần gấp 12 tỷ euro để cầm cự cho đến giữa tháng 8 và nợ công mà nước này đã lên đến 323 tỷ euro.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.