.

Chiến dịch chống IS và người Kurd: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó

.

Lãnh đạo đảng đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Kilicdaroglu cáo buộc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cản trở các nỗ lực hình thành chính phủ liên minh, đồng thời cho rằng nhà lãnh đạo này chống lại cuộc bầu cử mới bằng việc tiến hành xung đột với các chiến binh người Kurd.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang bị phe đối lập chỉ trích vì chiến dịch ở hai mặt trận: chống IS và người Kurd. 							       Ảnh: Reuters
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang bị phe đối lập chỉ trích vì chiến dịch ở hai mặt trận: chống IS và người Kurd. Ảnh: Reuters

Ngày 3-8, đàm phán vòng đầu giữa đảng Công lý và Phát triển (AKP) với đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) bước vào ngày cuối cùng. AKP nỗ lực tìm một đối tác liên minh sau khi đảng này để mất đa số ghế tại cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 6 vừa qua. Sự bất ổn này diễn ra trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch không kích chống lại đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở phía bắc Iraq và các chiến binh Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.

Hãng Reuters cho biết, phát biểu với đài Haberturk TV vào tối 2-8, Chủ tịch CHP Kemal Kilicdaroglu nói rằng, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu sẵn sàng ngồi lại, thành lập liên minh và cứu đất nước khỏi những rắc rối. “Nhưng người đang giữ cương vị tổng thống không cho phép điều này”, ông Kilicdaroglu nói.

Các phe đối lập với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cáo buộc ông có hành động quân sự chống PKK nhằm lôi kéo sự ủng hộ về mình, đồng thời trả đũa các đảng thân người Kurd bởi lực lượng này đã làm AKP mất quyền đa số tại Quốc hội.

Ông Kilicdaroglu chỉ trích: “Lý do lớn nhất vì sao tiến trình hòa bình bị trật bánh là ông Erdogan. Ông đã công khai phản đối điều đó (tiến trình hòa bình)”. Không những thế, lãnh đạo CHP còn cho rằng, nếu đưa đất nước vào các cuộc bầu cử bằng nền chính trị đẫm máu thì đó sẽ là cái giá cực kỳ đắt. Trong khi đó, chính phủ Ankara vốn lý giải rằng, chiến dịch chống PKK nhằm đáp trả hàng loạt vụ tấn công giết hại các binh sĩ quân đội và nhân viên cảnh sát, mà thủ phạm bị cho là các chiến binh Kurd.

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 6, AKP lần đầu tiên không thể một mình đứng ra thành lập chính phủ, đồng thời Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng bất ổn chính trị. Các đảng đặt ra thời hạn là đến ngày 23-8 sẽ hình thành liên minh thống nhất, hoặc đối mặt với cuộc bầu cử mới. Song, phe đối lập cho rằng, Tổng thống Erdogan muốn tiến hành bầu cử để đảng cầm quyền có thể giành đa số, đủ để sửa đổi hiến pháp - chuyển từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thống, tức là trao quyền lực thêm cho ông.

Thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong việc hợp tác chống IS cũng gây ra nhiều tranh cãi. Mặc dù có quan điểm khác nhau và khác với nhiều nước khác tham gia liên minh, nhưng Ankara và Washington đều có mục tiêu chung là chống IS. Song, Thổ Nhĩ Kỳ đặt ưu tiên cao vào việc giúp phe đối lập lật đổ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Trong khi đó, Mỹ cho rằng, dù ông Assad đã mất tính đại diện hợp pháp nhưng Washington chưa có kế hoạch quân sự trực tiếp để hạ bệ nhân vật này. Hơn nữa, Ankara còn nhằm vào PKK bởi lo ngại lực lượng này, được sự kích động từ người Kurd ở Iraq, sẽ tìm kiếm sự độc lập, tiến tới một nhà nước độc lập của người Kurd, bao gồm cả người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, với Mỹ, các tay súng người Kurd tại Syria đang là chỗ dựa của Washington trong cuộc chiến chống IS. Gần 25 triệu người Kurd hiện hầu hết sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria, Iran và Armenia. Đàm phán hòa bình giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd bắt đầu vào năm 2013 nhưng mới đây đã bị sụp đổ với việc Ankara tấn công ở phía bắc Iraq và PKK đáp trả bằng các vụ bạo lực bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.

Reuters dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Erdogan đang đi một canh bạc nguy hiểm. GS Soli Ozel tại Đại học Kadir Has ở Istanbul, đồng thời là nhà bình luận chính trị phát biểu với tờ The Wall Street Journal: Chính trị trong nước và chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên lộn xộn.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.