Những ngày đầu tháng Tám này, niềm vui và nụ cười luôn rạng người trên từng khuôn mặt mỗi người dân Singapore. Họ sắp bước vào lễ kỷ niệm đáng nhớ nhất trên hành trình xây dựng và phát triển đất nước - 50 năm ngày Độc lập!
Một đất nước non trẻ, nhưng đã sớm vươn lên thành “con rồng châu Á” chỉ sau 50 năm “lột xác” đầy ngoạn mục khiến cả thế giới phải trầm trồ thán phục. Thế nhưng, hơn bao giờ hết, người dân và chính phủ Singapore hiểu rằng việc gìn giữ và phát huy những hành quả đã đạt được không phải là câu chuyện của 50 năm nữa mà còn xa hơn thế…
Vịnh Marina, địa điểm nổi tiếng Singapore tỏa sáng trong đêm. |
Cổ tích thời hiện đại
Nhắc đến Singapore - Đảo quốc chỉ vỏn vẹn với diện tích gần 700 km vuông và dân số chỉ tương đương một thành phố của Việt Nam-5,5 triệu người, người ta nghĩ ngay đến câu chuyện thần kỳ biến “vùng đất đầm lầy” thành một quốc gia phát triển vào loại bậc nhất thế giới chỉ trong vòng 50 năm.
Vốn từng là thuộc địa của Anh năm 1819 và trở thành cửa ngõ quan trọng của giao thông hàng hải trong khu vực Đông Nam Á. Năm 1959, Singapore giành quyền tự chủ. Đến năm 1963, Singapore tuyên bố độc lập từ Anh quốc và hợp nhất với các cựu lãnh thổ khác của Anh quốc để hình thành Malaysia. Tuy nhiên, chỉ hai năm sau đó, năm 1965, ông Lý Quang Diệu đã có quyết định “táo bạo” là tách Singapore khỏi Malaysia để thành lập quốc gia riêng.
Trải qua một nửa thế kỷ, Singapore-dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo kiệt xuất Lý Quang Diệu và tiếp đó là Thủ tướng Lý Hiển Long, từ một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên đã trở thành một quốc gia phát triển nhanh nhất và đứng thứ tư trên thế giới, một trung tâm tài chính-thương cảng hàng đầu.
Theo thống kê, trong thời gian từ năm 1960 đến năm 2014, GDP Singapore tăng từ 0,7 tỷ USD lên tới 307,86 tỷ USD, tức tăng gần 440 lần; GDP đầu người từ 428 tăng lên tới 56.264 USD, luôn là một trong 10 nước có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới.
Tính đến đầu năm 2015, tổng GDP của Singapore lên tới 339 tỷ USD, xếp hạng thứ ba trên toàn cầu và có thu nhập bình quân đầu người xếp thứ bảy thế giới (62.400 USD/người).
Singapore cũng có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế liên quan đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sự minh bạch của chính phủ và tính cạnh tranh của nền kinh tế. Và đặc biệt, Quốc đảo này còn được biết đến như là một nơi xanh và sạch đẹp nhất thế giới với kỳ tích tạo lập “vườn trong thành phố,” thu hút người dân từ khắp năm châu bốn bể đến làm việc và sinh sống…
… Viết tiếp câu chuyện thần kỳ
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong 50 năm qua, Singapore ngày nay cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội và cạnh tranh kinh tế ngày càng gay gắt.
Nhận diện những thách thức này, Thủ tướng Lý Hiển Long mới đây đã chỉ ra ba vấn đề mà Quốc đảo sẽ phải đối mặt để vượt qua, đó là duy trì bản sắc dân tộc, tình trạng dân số già và chính sách nhập cư.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, về lâu dài việc duy trì một bản sắc dân tộc độc đáo, mạnh mẽ chính là chìa khóa để kéo dài câu chuyện thành công của Singapore.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng thách thức ngay trước mắt mà Singapore cần phải giải quyết lại chính là việc đưa nền kinh tế lên một cấp độ mới bởi nếu không làm như vậy, nước này có thể rơi vào tình trạng bất ổn và lo lắng, thậm chí cả sự "vỡ mộng" vốn đã xảy ra ở nhiều nước phát triển.
Bức tranh kinh tế mà Singapore hướng tới chính là trong vòng 50 năm tới sẽ xếp hạng trong số năm quốc gia giàu nhất thế giới theo bình quân đầu người, với nền kinh tế chủ yếu là xuất khẩu vốn và con người.
Nhưng để đạt được mục tiêu này, nền kinh tế Singapore trước tiên phải trải qua một “giai đoạn đau thương” của quá trình chuyển đổi, phải cơ cấu lại một cách toàn diện, kể từ lần đầu tiên quốc gia này độc lập.
Hiện tại, Singapore đang ở giai đoạn thứ ba của quá trình phát triển kinh tế, sau giai đoạn đầu của công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu (1965-1984); giai đoạn hai là tự do hóa và sự gia tăng của các dịch vụ hiện đại (1985-2010).
Giai đoạn này được đánh dấu là quan trọng nhất trong lịch sử kinh tế Singapore, với GDP thực tăng 3,6% mỗi năm và mục tiêu là phát triển đi vào chiều sâu, thực chất.
Điều này có nghĩa các ngành công nghiệp dịch vụ trong nước phát triển theo định hướng như giáo dục và chăm sóc sức khỏe sẽ được chính phủ nhân rộng bằng cách đầu tư vào công nghệ và tài năng cũng như xuất khẩu dịch vụ ra bên ngoài.
Mặt khác, Singapore đang trên bước đường định vị mình trên bản đồ số hóa của nền kinh tế toàn cầu, dựa trên hai sáng kiến quan trọng là Kỹ năng cho tương lai (SkillsFuture) và Quốc gia thông minh (Smart Nation), cũng với nền tảng là đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, biến công nghệ thành tác nhân quan trọng phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đây cũng chính là “tầm nhìn dài hạn” mà Thủ tướng Lý Hiển Long đặt ra cho Singapore trong giai đoạn phát triển tiếp theo, là điểm nhấn quan trọng và là sự khác biệt để tạo thành công.
Song song đó, các ngành công nghiệp xanh - bao gồm việc phát triển các giải pháp năng lượng tái tạo, cùng với việc tiếp tục phủ xanh thành phố sẽ được chính phủ ưu tiên phát triển để tạo nền tảng phát triển bền vững…
Cùng với thúc đẩy kinh tế, chính phủ Singapore cũng dành sự quan tâm hàng đầu đối với vấn đề dân số. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, nếu Singapore không có được sự cân bằng giữa tỷ lệ sinh và chính sách nhập cư, quốc gia này có thể sẽ lặp lại tình trạng như Nhật Bản đang phải đối mặt.
Vì vậy, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định mô hình phát triển mà Singapore theo đuổi đó là “một giải pháp thực dụng dựa trên các giải pháp thực sự hữu hiệu” và con đường mà giới chức lãnh đạo nước này lựa chọn đó là tạo sự dung hòa, chứ không phải là hướng tới việc nghiêng về các nhóm lợi ích kinh tế hoặc các nhóm chủng tộc hoặc giới giàu hay người nghèo…
Nói một cách khác, theo Thủ tướng Lý Hiển Long, tại Singapore có cạnh tranh và có sự đối nghịch, nhưng về cơ bản hầu hết mọi người dân đều được hưởng lợi từ hệ thống này.
Và một tinh thần thích ứng liên tục, học tập suốt đời sẽ phân biệt Singapore với các quốc gia khác, tạo nên bản sắc riêng có không thể trộn lẫn của Đảo quốc nhỏ bé nhưng đầy sáng tạo này.
TTXVN