.
Đàm phán giữa hai miền Triều Tiên:

"Thỏa thuận ý nghĩa" xoa dịu căng thẳng

.

Các cuộc đàm phán marathon kéo dài hơn 40 tiếng đồng hồ ở làng đình chiến Panmunjom rốt cuộc mang lại một thỏa thuận cho CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, chấm dứt căng thẳng có thể đẩy hai miền vào xung đột vũ trang. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gọi đây là “thỏa thuận ý nghĩa”.

Ông Hwang Pyong-So (trái), quan chức quân sự hàng đầu của CHDCND Triều Tiên và ông Kim Kwan-Jin, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, thống nhất xoa dịu căng thẳng giữa hai miền. 						        Ảnh: AFP
Ông Hwang Pyong-So (trái), quan chức quân sự hàng đầu của CHDCND Triều Tiên và ông Kim Kwan-Jin, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc, thống nhất xoa dịu căng thẳng giữa hai miền. Ảnh: AFP

Trong tuyên bố chung sau khi đạt được thỏa thuận vào sáng sớm 25-8, CHDCND Triều Tiên bày tỏ “rất lấy làm tiếc” về những vụ nổ mìn mới đây làm 2 binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Trong lúc đó, Hàn Quốc đồng ý tắt hệ thống loa tuyên truyền ở khu vực biên giới.

Bình Nhưỡng sẽ rút các binh sĩ và vũ khí đã được triển khai đến tiền tuyến, còn Seoul sẽ giảm cấp độ báo động quân sự tương ứng. Hai miền cũng thống nhất đàm phán để thúc đẩy việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán do cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 vào tháng 9 tới. Các cuộc đoàn tụ gia đình sẽ diễn ra vào đầu tháng 10.

Nền tảng mới cho quan hệ liên Triều

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon hoan nghênh thỏa thuận. Trong khi đó, nhà đàm phán hàng đầu của Hàn Quốc, cố vấn an ninh quốc gia Kim Kwan-Jin nói rằng, thỏa thuận sẽ tạo ra nền tảng mới cho mối quan hệ liên Triều trong tương lai. Quan chức ngoại giao này mô tả việc CHDCND Triều Tiên bày tỏ “rất lấy làm tiếc” về những vụ nổ mìn là điều “rất có ý nghĩa”. “Chúng tôi đã nhận được lời xin lỗi cho thấy miền Bắc là tác nhân chính”, ông Kim nói. Trước đó, CHDCND Triều Tiên luôn bác bỏ việc nhận trách nhiệm đối với các vụ nổ mìn.

Hãng AFP dẫn lời nhà phân tích Jeung Young-Tae tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc ở Seoul nói rằng, trong ngôn ngữ ngoại giao, phát biểu “rất lấy làm tiếc” rõ ràng là một lời xin lỗi.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng đánh giá thỏa thuận đạt được với CHDCND Triều Tiên là “có ý nghĩa”. Theo bà, kết quả này là do Hàn Quốc kiên trì nguyên tắc đáp trả cứng rắn những hành động khiêu khích của CHDCND Triều Tiên, trong khi vẫn để ngỏ cảnh cửa đối thoại.

Trung Quốc, đồng minh lớn nhất của CHDCND Triều Tiên, đã hoan nghênh thỏa thuận liên Triều. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, Bắc Kinh hy vọng Bình Nhưỡng và Seoul có thể duy trì đối thoại và tham vấn, thúc đẩy hòa giải và hợp tác, duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ cũng ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận và triển vọng giảm căng thẳng.  

Nhiều nghi ngại

Hãng AP cho rằng, thỏa thuận nói trên là bước đột phá đầu tiên trong việc giảm sự thù địch kể từ khi Hàn Quốc quy trách nhiệm cho CHDCND Triều Tiên về vụ nổ mìn ở biên giới hồi đầu tháng 8 này và dùng loa phóng thanh truyên truyền để đáp trả. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, với tình hình trên bán đảo Triều Tiên thì chưa rõ thiện chí của hai miền sẽ kéo dài bao lâu. Bởi lẽ, thỏa thuận không giải quyết được những khác biệt cơ bản, lâu dài.

Thỏa thuận cũng nêu rõ: Bình Nhưỡng và Seoul sẽ có thêm các cuộc đàm phán nhưng trong lịch sử, cả hai miền thường không tuân thủ cam kết và cứ để sự thù địch làm gián đoạn ngoại giao.

Xuất hiện trên Đài truyền hình Trung ương Triều Tiên vào chiều 25-8, ông Hwang Pyong So, một trong những nhà đàm phán của CHDCND Triều Tiên, khẳng định: Dù bày tỏ “rất lấy làm tiếc” nhưng Bình Nhưỡng không có ý định nhận trách nhiệm về các vụ nổ mìn. Song, ông Hwang vẫn hy vọng thỏa thuận sẽ mở ra cơ hội để cải thiện quan hệ liên Triều.

Giới phân tích cũng nhận định: Bước đột phá ngoài dự đoán có thể tạo điều kiện cho cả CHDCND Triều Tiên lẫn Hàn Quốc khởi động lại các cuộc đàm phán hợp tác kinh tế đang bị gác lại và dỡ bỏ các lệnh cấm.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.