.

Google thao túng cuộc bầu cử 2016 ở Mỹ

.

Tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ có khả năng lôi kéo thêm hàng triệu lá phiếu ủng hộ cho một ứng cử viên nào đó theo cách thức tưởng như rất tự nhiên và gần như không ai hay biết về sự thao túng này.

Google có khả năng lôi kéo hàng triệu lá phiếu ủng hộ cho một ứng cử viên nào đó mà cử tri không hề hay biết. 				               Ảnh: REUTERS
Google có khả năng lôi kéo hàng triệu lá phiếu ủng hộ cho một ứng cử viên nào đó mà cử tri không hề hay biết. Ảnh: REUTERS

Trong một bài báo tóm tắt các kết quả nghiên cứu về mối liên hệ giữa tác động của công nghệ truyền thông và tâm lý cử tri trong các cuộc bầu cử đăng trên tạp chí Politico (Mỹ) gần đây, chuyên gia nghiên cứu cao cấp Robert Epstein đã chỉ rõ sức mạnh và khả năng thao túng của Google trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Theo đó, thuật toán tìm kiếm của Google có thể dễ dàng thay đổi lựa chọn bỏ phiếu ở nhóm cử tri đang phân vân, lưỡng lự lên tới 20%. Tỷ lệ này còn đạt tới 80% ở một số nhóm khác. Hầu như không cử tri nào biết họ đang bị Google thao túng trong quyết định của mình.

Tạo dựng chính khách và kiểm soát cử tri

Tại Mỹ, khoảng 1/2 các cuộc bầu cử tổng thống đến nay cho thấy ứng cử viên chiến thắng có số phiếu chênh lệnh chỉ hơn gần 7,6% với đối thủ. Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, người chiến thắng chỉ vượt hơn đối thủ 3,9% số phiếu bầu. Như vậy, tỷ lệ này nằm “thoải mái” trong phạm vi kiểm soát và chi phối của Google.

Bất kể việc các nhà điều hành Google có nhận ra điều này hay không, nhưng thực tế, các nhân viên thuộc bộ phận điều chỉnh thuật tìm kiếm của Google đang thao túng tâm lý người dùng từng phút mỗi ngày. Những điều chỉnh đó gây ảnh hưởng ngày càng nhiều tới tư duy của chúng ta và từ đó cũng tác động đến lựa chọn bỏ phiếu của mỗi người.

Chẳng hạn, theo thống kê của Google Trends (công cụ cho thấy xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất trong một khoảng thời gian nào đó trên Google), tỷ phú Donald Trump đang đánh bại tất cả các ứng cử viên khác dựa trên kết quả tìm kiếm tại 47/50 bang nước Mỹ.

Google thừa nhận đã chỉnh sửa thuật toán tìm kiếm khoảng 600 lần mỗi năm nhưng quá trình này hoàn toàn bí mật.

Một nghiên cứu khác cũng gây ra ít nhiều ngờ vực về việc liệu Google có khả năng kiểm soát các cử tri hay không. Các thử nghiệm được thực hiện trực tuyến hoặc trong phòng thí nghiệm tại Mỹ cho thấy, chỉ qua một phiên tìm kiếm giả định với công cụ tìm kiếm có tính năng tương tự Google được đặt tên là Kadoodle, tỷ lệ những người ủng hộ một ứng cử viên nào đó đã tăng từ 37% lên 63%.

Có thể thấy rõ hơn điều này qua minh chứng cụ thể là cuộc bầu cử năm 2014 tại Ấn Độ. Các nhà nghiên cứu có đủ cứ liệu để chứng minh các kết quả tìm kiếm trên Google đã làm thay đổi tỷ lệ ủng hộ một ứng cử viên nào đó tăng thêm hơn 20%, thậm chí hơn 60% ở một số nhóm.

Ảnh hưởng của Google trong cuộc bầu cử năm 2014 tại Ấn Độ lớn tới mức có thể chính Google đã quyết định người thắng cuộc trong sự kiện đó. Các thống kê dữ liệu hằng ngày của Google về hoạt động tìm kiếm liên quan đến cuộc bầu cử này (sau đó đã bị xóa khỏi Internet nhưng nhóm nghiên cứu đã tải được những trang dữ liệu liên quan trước khi bị xóa) cho thấy, ông Narenda Modi, người thắng chung cuộc, đã vượt xa các đối thủ trong tổng số lượt tìm kiếm tới hơn 25% trong liên tục 61 ngày.

Như vậy có thể thấy, cách thức hiệu quả nhất để gia tăng ảnh hưởng chính trị trong thế giới công nghệ ngày nay là ủng hộ tài chính cho một ứng cử viên và sau đó khai thác thế mạnh công nghệ để người đó giành chiến thắng. Công nghệ sẽ bảo đảm thắng lợi, còn tiền bạc ủng hộ sẽ bảo đảm sự trung thành. Đây chắc chắn cũng là cách Google đã vận dụng trong những năm qua với chính quyền của Tổng thống Barack Obama.

3 viễn cảnh thao túng cuộc bầu cử 2016

Thứ nhất là viễn cảnh kiểu Western Union: Các lãnh đạo Google sẽ quyết định ứng viên nào tốt nhất với mọi người và tất nhiên với công ty của họ. Sau đó, họ sẽ chỉnh sửa các xếp hạng tìm kiếm tương ứng.

Từng có tiền lệ tại Mỹ về kiểu chống lưng ngầm này là trường hợp Tổng thống thứ 19 của Mỹ Rutherford B. Hayes. Ông từng chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng nhờ có sự ủng hộ mạnh mẽ của tập đoàn Western Union. Ngay trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1876, tập đoàn này đã làm mọi cách để trên các phương tiện báo chí truyền thông Mỹ chỉ xuất hiện những nội dung tốt liên quan đến ông Hayes.

Thực tiễn cho thấy, Google có mối quan hệ rất mật thiết với các ứng cử viên đảng Dân chủ. Kể từ khi ông Obama lên nắm quyền điều hành, các đại diện của Google cũng thường xuyên ghé thăm Nhà Trắng nhiều gấp 10 lần so với các hãng công nghệ khác, trung bình mỗi tuần 1 lần.

Thứ hai là viễn cảnh Marius Milner. Sẽ có một nhân viên nào đó được nắm quyền truy cập hoặc có khả năng đột nhập hệ thống và tạo những thay đổi trong bảng xếp hạng tìm kiếm.

Thực tế, vụ việc tương tự từng xảy ra vào năm 2010 khi Google bị cáo buộc đã do thám thông tin cá nhân từ các mạng wifi không bảo vệ tại hơn 30 quốc gia có sử dụng loại phương tiện Street View của họ. Tất cả tội lỗi liên quan sau đó đã bị quy cho một nhân viên của Google là kỹ sư phần mềm Marius Milner.

Không có gì ngạc nhiên nếu trong số 37.000 nhân viên của Google cũng sẽ có một vài người “thông minh như” Milner và hoàn toàn có khả năng tạo ra các chỉnh sửa thuật toán để thao túng kết quả bầu cử.

Viễn cảnh thứ ba, có lẽ đáng ngại nhất, là viễn cảnh thuật toán. Theo viễn cảnh này, mọi nhân viên của Google đều không dính líu. Tuy nhiên, phần mềm tìm kiếm chính là tội đồ. Cụ thể, thuật toán của Google sẽ đẩy một ứng cử viên lên tới đỉnh của các bảng xếp hạng tìm kiếm theo cách Google gọi là rất tự nhiên, vô hại và căn cứ thực tế. Theo viễn cảnh này, chính phần mềm máy tính mới là cái quyết định việc lựa chọn ứng viên được bầu của cử tri.   

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.