.

Hy Lạp chính thức được cứu

.

Chính quyền Athens và các chủ nợ vừa đạt thỏa thuận về gói giải cứu cung cấp tới 86 tỷ euro (94 tỷ USD), người phát ngôn Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết.

Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras. Ảnh: Reuters

Sau phiên họp kéo dài tới 23 giờ bắt đầu từ chiều hôm qua, người phát ngôn Bộ Tài chính Hy Lạp - Theodoros Mihopoulos cho biết cuộc nói chuyện giữa nước này và quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC), Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) đã kết thúc thành công sáng nay.

Trên kênh truyền hình Skai TV nước này, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp - Euclid Tsakalotos cũng cho biết họ chỉ còn tranh cãi "một, hai vấn đề rất nhỏ". Gói giải cứu cho Hy Lạp được kỳ vọng lên tới 86 tỷ euro (94,75 tỷ USD). Tuy nhiên, quy mô vẫn chưa được xác nhận.

Quan chức Hy Lạp kỳ vọng thỏa thuận này được Quốc hội thông qua trong hai ngày tới. Sau đó, nó sẽ được đưa ra bàn bạc tại cuộc họp thứ Sáu này của nhóm bộ trưởng tài chính các nước eurozone. Việc này sẽ giúp Hy Lạp được giải ngân trước ngày 20-8 - thời điểm họ phải hoàn trả khoản vay 3,2 tỷ USD cho ECB.

Thỏa thuận sẽ khép lại thời kỳ đàm phán vất vả của Hy Lạp suốt thời gian qua. Nước này đã phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của nhóm chủ nợ suốt nửa năm nay, nhưng sau đó đã phải nhượng bộ trước nguy cơ bị buộc rời khỏi eurozone.

Trong cuộc thảo luận kéo dài xuyên đêm, các bên đã đồng ý về nhiều mục tiêu tài khóa, chủ yếu là về ngân sách. Theo đó, mục tiêu thâm hụt ngân sách cơ bản năm 2015 là 0,25% GDP. Đến năm 2016, con số này phải thặng dư 0,5%, sau đó lên lần lượt 1,75% và 3,5% trong hai năm tiếp theo. Hai bên cũng đã đồng ý nới lỏng kiểm soát ngành khí đốt của Hy Lạp.

Một trong những điểm còn bế tắc là cách giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Athens muốn thành lập một ngân hàng thu nợ xấu (bad bank) để xử lý vấn đề này. Trong khi đó, các chủ nợ lại muốn gộp nợ xấu và bán cho các quỹ.

Quan chức cũng vẫn còn tranh cãi về việc cách thành lập quỹ đầu tư quốc gia, nhằm huy động 50 tỷ euro từ việc tư nhân hóa tài sản công của Hy Lạp. 75% số tiền này sẽ được dùng để trả nợ và tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Theo Hà Thu (VnExpress)

;
.
.
.
.
.