Quốc tế
Khủng hoảng nhập cư ở châu Âu: Chờ hành động cụ thể của châu Âu
Các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh Balkan ngày 27-8 tại Vienna (Áo) kêu gọi châu Âu phải hành động cụ thể để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.
Hungary dựng hàng rào kẽm gai dọc biên giới với Serbia để ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép. Ảnh: AFP |
Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo Balkan đã có mặt tại Vienna ngày 27-8 để bàn thảo giải pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư trái phép nghiêm trọng ở châu Âu. Reuters cho biết, các ngoại trưởng Mecedonia và Serbia, hai nước là nơi quá cảnh chính của hàng nghìn người nhập cư và tị nạn tìm cách tiến vào châu Âu, đã kêu gọi “lục địa già cỗi” này phải có hành động cụ thể.
Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic tuyên bố không đóng cửa biên giới nhưng cũng đề nghị Liên minh châu Âu (EU) xây dựng kế hoạch cụ thể khi dòng người đang ồ ạt kéo đến khu vực Balkan.
Song, EU sẽ khó có hành động cụ thể khi mỗi quốc gia đang chịu áp lực quá tải số người nhập cư, tị nạn như Macedonia, Serbia, Ý, Hy Lạp, Áo, Hungary đã tự có cơ chế để đối phó, nhưng các giải pháp lại xung đột nhau. Chẳng hạn, việc Hungary ngừng tiếp nhận người tị nạn lại gây sức ép lên Áo, Macedonia đóng cửa biên giới nên người nhập cư trái phép tràn sang Hungary… Trong khi đó, EU bị chỉ trích vì không thống nhất “phản ứng chung”.
Ngoại trưởng Macedonia Nikola Poposki bức xúc nói rằng, nếu châu Âu không có câu trả lời cho khủng hoảng thì không nên ảo tưởng vấn đề này sẽ được giải quyết. Còn Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cảnh báo, nước ông sẽ xem xét các giải pháp cứng rắn chống nhập cư trái phép như thắt chặt kiểm soát biên giới nếu châu Âu không có “phản ứng thống nhất”. Lý do mà ông Kurz đưa ra là số người nhập cư vào Áo nhiều hơn số người tiến vào Ý và Hy Lạp cộng lại.
Điều đáng nói là Hungary, quốc gia thành viên EU và cũng là thành viên của khu vực miễn thị thực Schengen, cửa ngõ của người di cư tiến vào châu Âu, lại không tham dự hội nghị thượng đỉnh nói trên. Số người tràn vào Hungary mỗi ngày đã lên đến con số kỷ lục: hơn 3.000 người (ngày 26-8 có 3.241 người, trong đó có gần 700 trẻ em), chủ yếu là người Syria, Afghanistan, Pakistan. Hungary đang dựng hàng rào kẽm gai cao 4m, dài 175km, dọc biên giới với Serbia để ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép, nhưng Serbia phản đối động thái này.
Nhiều người nhập cư dùng tuyến đường Balkan để tiến vào EU, cụ thể là thông qua Macedonia và Serbia để vào Hungary, sau đó vào Áo, Đức và các nước EU khác.
Riêng Đức đang chuẩn bị tiếp nhận 800.000 người tị nạn trong năm nay và trở thành quốc gia đầu tiên trong EU nới lỏng quy định về quy chế tị nạn cho những người Syria muốn nhập cư vào châu Âu.
Theo đó, Berlin không đưa những người Syria xin tị nạn trở về cảng cửa ngõ của EU, nơi họ đặt chân đầu tiên trong hành trình đến “lục địa già”. Tuy nhiên, sự rộng rãi của Đức không được người dân trong nước hoan nghênh, nhất là ở khu vực phía đông, nơi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào những trung tâm tị nạn.
Vì vậy, Thủ tướng Merkel đến thăm một trại tị nạn ở Heidenau (bang Sachsen) vào ngày 26-8 không được chào đón, dù bà tuyên bố không dung thứ những đối tượng chà đạp lên người khác và không giúp đỡ những người cần hỗ trợ về luật pháp hay nhân đạo.
Bà Merkel lên án các vụ tấn công do lực lượng cấp tiến cánh hữu và phân biệt chủng tộc thực hiện nhằm vào người tị nạn ở Đức. Chủ tịch Quốc hội Đức Norbert Lammert từng khẳng định Berlin sẽ quản lý tốt vấn đề người tị nạn, dù dòng người di cư kéo đến nước này có thể lên tới 800.000 người trong năm nay.
Hãng AP dẫn lời ông Johannes Hahn, một quan chức của EU, nói rằng chưa bao giờ trong lịch sử lại có quá nhiều người rời bỏ nhà cửa để tránh chiến tranh, bạo lực… “Khi nhiều cuộc xung đột lớn chưa được giải quyết ở các nước láng giềng chúng tôi, trong tương lai gần, tôi lo ngại dòng người tị nạn tìm kiếm sự bảo vệ ở châu Âu sẽ không giảm”, ông Hahn nói.
PHÚC NGUYÊN