Mỹ sẽ kêu gọi Trung Quốc thực hiện “3 ngừng” ở khu vực Biển Đông: ngừng bồi đắp, ngừng xây dựng và ngừng các hoạt động khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng. Philippines tuyên bố ủng hộ và thúc đẩy lời kêu gọi này.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thường niên lần thứ 48 (AMM 48) bày tỏ quan ngại về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Ảnh: AFP |
Tranh chấp trên Biển Đông làm nóng Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) diễn ra vào ngày 4, 5 và 6-8 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario khẳng định Manila sẵn sàng hỗ trợ tháo gỡ căng thẳng trên Biển Đông nếu Trung Quốc và các nước khác có tuyên bố chủ quyền đồng ý bị ràng buộc bởi những điều kiện tương tự điều kiện mà Mỹ đưa ra.
Reuters cho biết, Mỹ sẽ kêu gọi Trung Quốc thực hiện “3 ngừng” ở Biển Đông, bao gồm: ngừng bồi đắp, ngừng xây dựng và ngừng các hoạt động khiêu khích có thể làm gia tăng căng thẳng. Ông Rosario nói rằng, Philippines ủng hộ lời kêu gọi của Washington và đề cập vấn đề này tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN thường niên lần thứ 48 (AMM 48), cũng khai mạc vào ngày 4-8 ở Kuala Lumpur. Ông Rosario nhấn mạnh: Philippines ủng hộ hoàn toàn và sẽ tích cực thúc đẩy lời kêu gọi của Mỹ về “3 ngừng”.
Phát biểu nói trên của Ngoại trưởng Philippines được đưa ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố không muốn bàn thảo vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tại AMM 48. Theo Reuters, tuy không chính thức có trong chương trình nghị sự nhưng tranh chấp trên Biển Đông là một trong những vấn đề chính chiếm lĩnh diễn đàn của ASEAN và các hội nghị liên quan lần này.
Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đều không phải là thành viên của ASEAN nhưng đại diện của hai nước đều có mặt tại các cuộc đàm phán ở Kuala Lumpur trong những ngày này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ hiện diện ở Kuala Lumpur vào ngày 5 và 6-8.
Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh thổ nhưng cường quốc từ bên kia bờ đại dương quan tâm giải pháp hòa bình và sự tự do hàng hải ở khu vực tranh chấp. Song, Trung Quốc bác bỏ mọi sự liên quan của Mỹ. Bắc Kinh cáo buộc Washington quân sự hóa Biển Đông bằng việc tuần tra và diễn tập quân sự chung với các nước trong khu vực.
Trên trang nhất tờ Nhật báo Nhân dân của Trung Quốc, bản được phát hành ở nước ngoài, một học giả bình luận: Mỹ và Nhật Bản đang hợp tác thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc, gây ồn ào cho các đồng minh để can thiệp vào tình hình Biển Đông.
Trong khi đó, AP dẫn lời Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cho hay, Canberra cũng sẽ bày tỏ quan ngại về vấn đề Biển Đông. Còn ở Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định Ngoại trưởng Kerry sẽ giải quyết các vấn đề lãnh thổ trong các cuộc họp ở Malaysia. “Đây là diễn đàn mà các vấn đề an ninh quan trọng cần được bàn thảo”, người phát ngôn này nói.
Về phía Trung Quốc, theo AFP, trước thềm AMM 48, Ngoại trưởng Vương Nghị vẫn không có dấu hiệu thỏa hiệp. Phát biểu với báo giới vào ngày 3-8, ông Vương Nghị nói: “Trung Quốc chưa bao giờ tin rằng, các diễn đàn đa phương là nơi phù hợp để thảo luận về những tranh chấp song phương cụ thể”. Theo ông, việc đưa vấn đề ra ARF sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và Trung Quốc sẽ không cúi đầu trước áp lực yêu cầu ngừng xây đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Tuy nhiên, phát biểu khai mạc AMM 48, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho rằng, ASEAN nên đóng vai trò lớn hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp thân thiện đối với vấn đề tranh chấp trên biển; đồng thời cần giải quyết vấn đề này một cách hòa bình và hợp tác. “Chúng ta đã có bước khởi đầu tích cực nhưng cần hành động nhiều hơn nữa”, Bộ trưởng Anifa đánh giá.
Việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo trên Biển Đông thời gian qua làm Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á lo ngại. Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington tiết lộ: Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một đường băng thứ hai dài 3.000m trên đảo nhân tạo mà nước này đã bồi đắp từ đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) ở Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 4-8 bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông; cho rằng những hành động này đã làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh ở vùng biển này. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không; giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); thực hiện kiềm chế; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các Bộ trưởng cũng nhất trí cần tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề Biển Đông. TTXVN |
PHÚC NGUYÊN