.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Đàm phán liên Triều: Không dễ có lối ra

.

Các nhà phân tích cho rằng, trong lúc căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đang gia tăng thì dù CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc ngồi vào bàn đàm phán ở Panmunjom nhưng cũng không dễ có lối ra, nhất là khi cả hai bên đều duy trì tình trạng báo động cao.

Các quan chức hai miền Triều Tiên đàm phán tại Panmunjom.    	                                    Ảnh: AFP
Các quan chức hai miền Triều Tiên đàm phán tại Panmunjom. Ảnh: AFP

Cuộc đàm phán marathon trong gần 10 tiếng đồng hồ tại làng đình chiến Panmunjom đã tạm dừng vào sáng sớm 23-8 và được nối lại vào chiều cùng ngày để tìm cách tháo ngòi cho tình trạng căng thẳng hiện tại trên bán đảo Triều Tiên.

Theo các nhà quan sát, khi nguy cơ xung đột quân sự đang ở rất gần sau những cuộc đấu pháo mới đây giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc, việc hai miền chịu ngồi vào bàn nghị sự là một thắng lợi trong việc ngăn chặn chiến tranh xảy ra. Phía Nhà Xanh cũng khẳng định, hai phía sẽ tiếp tục “thu hẹp sự khác biệt”.

Vòng đàm phán thứ nhất kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ mà không đạt được thỏa thuận nào không phải là điều bất thường, bởi sau nhiều thập niên thù địch, việc tìm tiếng nói chung là điều không dễ. Song, theo GS Jeon Young-sun tại Đại học Konkuk ở Seoul, thời gian kéo dài của một cuộc đàm phán cấp cao như vậy là điều chưa từng có.

Phía Hàn Quốc có sự tham dự của cố vấn an ninh hàng đầu của tổng thống Kim Kwan-jin và Bộ trưởng Thống nhất Hong Yong-pyo. Phía Triều Tiên có Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so và quan chức hàng đầu phụ trách các vấn đề Hàn Quốc Kim Yang-gon. AFP cho biết, đây là đàm phán cấp cao nhất của liên Triều trong gần 1 năm nay và điều này phản ánh tình hình nghiêm trọng đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.

Thực tế, khi đàm phán được nối lại vào chiều 23-8, hai miền đều có báo động quân sự cao. Hàn Quốc cáo buộc CHDCND Triều Tiên phá hủy đàm phán khi triển khai gấp đôi số lượng khẩu đội pháo cối ở biên giới liên Triều và hơn 70 tàu ngầm trên biển, gần biên giới hai nước.

Cụ thể, gần 70%, tức khoảng 50/70 tàu ngầm của CHDCND Triều Tiên đã rời các căn cứ quân sự ở khu vực ven biển phía đông và tây, biến mất khỏi hệ thống radar quân sự của Hàn Quốc. Một phát ngôn viên quân đội Hàn Quốc nói rằng, việc di chuyển của số lượng tàu ngầm như thế là điều chưa từng có. “Số lượng gần gấp 10 lần so với mức bình thường”, người phát ngôn này nói, đồng thời chỉ trích Bình Nhưỡng đang chơi “2 mặt” khi vừa thúc đẩy đối thoại, vừa chuẩn bị cho một cuộc chiến.

CHDCND Triều Tiên cũng dọa tấn công phủ đầu quốc gia phía Nam nếu Hàn Quốc không chịu tắt hệ thống loa phóng thanh tuyên truyền ở biên giới. Hệ thống loa phóng thanh này hiện phát hơn 10 giờ/ngày. Seoul yêu cầu Bình Nhưỡng trước hết phải xin lỗi về những vụ nổ mìn làm 2 binh sĩ tuần tra ở biên giới bị thương hồi đầu tháng 8 này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng bác bỏ mọi sự liên quan đến vụ việc này. Theo AFP, Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ không xin lỗi, còn Seoul không chấp nhận việc bị xem là yếu thế hơn.

Nhà phân tích Jeung Young-tae của Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc ở Seoul nhận định: Hai bên có thể sẽ đưa ra tuyên bố “lấy làm tiếc” mà không lên án hành động của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Jeung Young-tae cũng cho rằng, tuyên bố như vậy có thể không được đưa ra trong lúc này và kết quả tốt nhất mà đàm phán có thể mang lại là thỏa thuận về một cuộc gặp gỡ cấp cao trong tương lai, chẳng hạn như hội đàm cấp Bộ trưởng quốc phòng.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon hoan nghênh đàm phán, đồng thời thúc giục hai miền “nhân đôi” nỗ lực. Ông Ban Ki-moon muốn CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc tận dụng đàm phán lần này để mở đường giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. LHQ, Mỹ và Trung Quốc - đồng minh lớn của CHDCND Triều Tiên - đều kêu gọi các bên kiềm chế.

Hai miền Triều Tiên vẫn rơi vào tình trạng chiến tranh kỹ thuật sau khi Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 kết thúc với một thỏa thuận ngừng bắn mà không có một hiệp ước hòa bình. Hơn nữa, hiện có 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc và một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ đã tái khẳng định cam kết của Washington trong việc bảo vệ đồng minh.

Với những diễn biến như trên, không bên nào chịu nhượng bộ, các nhà quan sát ở Seoul đều bày tỏ nghi ngại về việc hai nước vẫn không thể có thỏa thuận.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.