.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Đàm phán TPP: Vẫn còn hy vọng

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ phải chờ đợi lâu hơn nữa mới công bố được thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất trong lịch sử. Đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii (Mỹ) thất bại nhưng các bên cam kết sẽ tiếp tục đối thoại.

Các nước tham gia đàm phán tại Hawaii vẫn chưa tháo gỡ được những bất đồng.  					                                                         Ảnh: AP
Các nước tham gia đàm phán tại Hawaii vẫn chưa tháo gỡ được những bất đồng. Ảnh: AP

Cuộc họp giữa bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia đàm phán TPP không thể hoàn tất vào ngày 31-7 là điều đáng tiếc, bởi 98% công việc đã được hoàn tất, chỉ còn 2% vướng mắc cần tháo gỡ. Sự việc này gây sự hụt hẫng đối với những nước tham gia đàm phán, bao gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ. Trước đó, cuộc họp tại Hawaii được xem là lần đàm phán cuối cùng bởi “TPP đã trong tầm tay”, như các quan chức cùng nhận định.

Tổng thống Mỹ Barack Obama vốn xem TPP là một trụ cột kinh tế trong chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương và là cơ hội để Washington cân bằng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Thất bại của vòng đàm phán TPP cũng là thất bại của ông Obama. Theo đó, TPP khó có thể được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay, trước khi Washington bước vào mùa bầu cử. Và như vậy, năm 2016 - năm bầu cử tổng thống, Mỹ mới phê chuẩn được hiệp định này.

Tuyên bố được nêu sau đàm phán là “đã đạt được những tiến triển đáng kể, nhưng vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng và hoàn chỉnh”. Đại diện thương mại Mỹ Michael Froman và các bộ trưởng thương mại khác khẳng định họ sẽ tiếp tục đàm phán; các nước còn nhiều khác biệt và bất đồng sẽ đối thoại song phương với nhau. Song, vấn đề đặt ra là không bên nào chịu nhượng bộ; không bên nào chịu vượt qua “lằn ranh đỏ”; mỗi quốc gia đều kiên quyết theo đuổi những điều kiện riêng để xem xét và đòi hỏi sự nhượng bộ lẫn nhau…

Bế tắc chủ yếu liên quan “bộ tứ” các nền kinh tế lớn: Mỹ, Nhật Bản, Mexico và Canada. Nhật Bản muốn Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ các loại thuế đánh vào linh kiện ô-tô nước này xuất khẩu sang Mỹ. Trong khi đó, Washington muốn làm rõ nguồn gốc của các linh kiện đó có phải từ một khu vực thương mại tự do hay không. New Zealand tuyên bố không ủng hộ thỏa thuận khi nó không tạo điều kiện cho việc mở cửa thị trường bơ sữa… Một quan chức tham gia đàm phán nói: “Mỹ đứng một bên, những nước khác ở bên còn lại… Không bên nào muốn nhượng bộ và các bên đều xem vấn đề này là lằn ranh đỏ”.

Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài khóa Nhật Bản Akira Amari cho rằng, ngoài các nguyên nhân khiến đàm phán lần này thất bại được nhắc đến nhiều như tiến trình mở cửa thị trường ô-tô, thị trường nông sản và việc bảo hộ ngành dược phẩm, còn phải tính đến những khác biệt giữa các nước về quyền sở hữu trí tuệ. Ông Amari khẳng định các bên đã tiến rất gần một thỏa thuận toàn diện và chỉ cần một cuộc gặp nữa thì có thể hoàn tất công việc. Theo ông, nhiều khả năng vòng đàm phán TPP tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 này. Chuyên gia Gary Hufbauer, thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) cũng cho rằng, cơ hội chưa hẳn đã kết thúc.

Một lần nữa TPP lỡ hẹn. Con đường đến hiệp định đầy tham vọng này vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức khi các nước chưa thể tìm được tiếng nói chung. Tổng thống Obama đã được trao quyền đàm phán nhanh (TPA) nhưng TPA chỉ là yếu tố cần, chứ chưa phải là yếu tố đủ để đưa các nước sẵn sàng xích lại gần nhau.

Khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.